khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 28/03/2014 - 08:49

Chuyển biến sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 22, 20 của HĐND tỉnh

Nghị quyết số 22/2011/NQ-HĐND17 quy định một số điều về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, tổ chức kỷ niệm ngày truyền thống, đón nhận các danh hiệu thi đua và Nghị quyết số 20/2011/NQ-HĐND17 quy định hỗ trợ thực hiện hỏa táng, điện táng người chết có hiệu lực thi hành từ 1-8-2011. Sau gần 3 năm, triển khai thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, Nghị quyết đã từng bước phát huy hiệu quả trong việc hình thành nếp sống văn minh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết 22, 20 Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh phối hợp với các tổ chức thành viên tổ chức quán triệt tới các cơ sở, đồng thời tích cực tuyên truyền sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, từng bước xây dựng nếp sống văn minh.

Trong 3 năm qua, MTTQ các cấp đã phối hợp tổ chức được 2.580 cuộc họp, hội nghị cho gần 50.000 lượt người. Để các nội dung của Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống, Ủy ban MTTQ đã gắn thực hiện Nghị quyết với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, từ đó tạo thành phong trào rộng khắp. Các khu dân cư đưa nội dung thực hiện Nghị quyết vào hương ước, quy ước Làng văn hóa, Khu phố văn hóa. Các Ban Công tác Mặt trận ở các khu dân cư phối hợp với Trưởng thôn và các tổ chức thành viên, Tổ trưởng Tổ liên gia trực tiếp đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động và ký cam kết thực hiện. Kết quả, trong 3 năm có 228.959 hộ gia đình và 1.954 dòng họ ký cam kết thực hiện. Nhờ thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, các nội dung của Nghị quyết được nhanh chóng triển khai đến mọi tầng lớp nhân dân.

Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã đạt được những bước chuyển biến rõ nét. Các đám cưới được tổ chức đúng Luật Hôn nhân và Gia đình, các nghi thức như chạm ngõ, lễ hỏi được giảm lược nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng, truyền thống và thực hành tiết kiệm (tổ chức gọn từ 1-1,5 ngày, không thách cưới, không làm lễ lại mặt). Những đám cưới của cán bộ, công chức hoặc con cán bộ công chức đã thực hiệt tốt việc báo cáo thủ trưởng cơ quan trực tiếp trước khi tổ chức, khách mời chủ yếu là họ hàng, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân thích và đồng nghiệp cùng cơ quan. Việc cán bộ, công chức tổ chức và dự tiệc cưới trong giờ hành chính đã giảm hẳn.

Trong việc tang, 100% các thôn làng, khu phố trong tỉnh đã thành lập Ban Tang lễ để kịp thời thăm hỏi, động viên tang chủ, đồng thời điều hành việc tang và giải quyết các vấn đề có liên quan. Việc tiến hành lễ tang cũng văn minh hơn trước, lễ tang được tiến hành trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình và truyền thống văn hóa của quê hương; các hủ tục như: khóc mướn, rải vàng mã và tiền thật trên đường đưa tang… đã được hạn chế; thực hiện không để người chết trong nhà trên 36 giờ, nhạc tang chỉ cử hành trước 22 giờ đêm, dùng vòng hoa luân chuyển. Tình trạng mở cỗ mời khách trong ngày tang lễ, tuần tiết hầu như không còn. Các nghĩa trang nhân dân được xây dựng đúng Nghị quyết: xa khu dân cư, xa nguồn nước, khu an táng và cải táng được quy định cụ thể. Việc xây mộ sau cải táng đã được thực hiện nghiêm hơn trước, đảm bảo kích thước theo quy định (diện tích không quá 1,5m2).

Để khuyến khích các gia đình có người qua đời thực hiện hỏa táng người chết ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều địa phương còn trích ngân sách để hỗ trợ thêm từ 1-2 triệu đồng/người chết như: Đông Thọ, thị trấn Chờ (Yên Phong), Phù Khê (thị xã Từ Sơn), Song Hồ (Thuận Thành),… Đến nay, ngày càng nhiều gia đình chọn hình thức hỏa táng người chết. Trong 3 năm qua, toàn tỉnh có 1.589/9.171 người chết được đưa đi hỏa táng, đạt 17,3%. Đặc biệt, số lượng người chết được đưa đi hỏa táng năm sau cao hơn năm trước, năm 2013 toàn tỉnh có 893/4.198 người chết được đưa đi hỏa táng, đạt 21,3%, tăng 8% so với năm 2012.

Hàng năm, Bắc Ninh có khoảng hơn 500 lễ hội lớn nhỏ diễn ra ở khắp các địa phương trong tỉnh. Những năm qua, công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức lễ hội từng bước có những chuyển biến tích cực. Các lễ hội đều được tổ chức theo đúng quy định, các nghi thức của phần lễ và phần hội được đan xen, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân, không còn hiện tượng mê tín dị đoan, đốt vàng mã bừa bãi gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Qua đó, góp phần đảm bảo văn hóa, thực hiện tốt nếp sống văn minh lễ hội.

Thực hiện Nghị quyết 22, 20 góp phần thúc đẩy phong trào xây dựng Gia đình văn hóa, Làng văn hóa, Khu phố văn hóa, hình thành nếp sống văn hóa mới. Năm 2013, toàn tỉnh có 237.332/272.683 hộ đạt “Gia đình văn hoá” bằng 87%;  có 416/701 khu dân cư đạt danh hiệu “Làng văn hoá”, “Khu phố văn hoá”, đạt 56,9%.

Phương Mai – Lưu Hằng
Top