khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 31/03/2014 - 08:52

Đấu kiếm Bắc Ninh vươn ra “biển lớn”

Ngay từ đầu năm, tin vui đến với thể thao thành tích cao của tỉnh khi đội tuyển đấu kiếm xuất sắc giành 2 HCV, 1 HCĐ ở giải vô địch đấu kiếm Đông Nam Á (tại Malaysia). Có được thành công đó, ngoài tài năng cùng niềm đam mê, các kiếm thủ đã phải vượt qua mọi khó khăn, trở ngại trong tập luyện cũng như cuộc sống để khẳng định mình và dần vươn ra “biển lớn”.

Niềm vui chiến thắng

Gặp gỡ và trò chuyện với các VĐV đội tuyển đấu kiếm vừa trở về từ giải đấu kiếm Vô địch Đông Nam Á ở Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh mới thấy được niềm vui của thầy trò HLV Vũ Tự Chính cũng như toàn Trung tâm. Đây sẽ là cú hích, là động lực cho thể thao của tỉnh.

HLV Vũ Tự Chính chia sẻ: Những tấm huy chương này không chỉ là niềm tự hào cho cá nhân mà còn là vinh quang cho thể thao tỉnh nhà. Tuy mới là thành công bước đầu của đội, nhưng đó là động lực để hướng tới một mục tiêu cao hơn trong tương lai”.

Được đưa vào huấn luyện từ 2005, môn đấu kiếm của tỉnh được đánh giá là non trẻ nhất trong các tỉnh, thành phố có bộ môn này thời điểm đó (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh). Nhưng tài năng không đợi tuổi, chỉ sau một năm tập luyện, đấu kiếm Bắc Ninh đã đoạt HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006. Những năm tiếp theo đấu kiếm liên tiếp đem vinh quang cho thể thao tỉnh nhà ở các giải đấu trong cũng như ngoài nước. Năm 2007, 2008 duy trì HCV ở giải Vô địch đấu kiếm Quốc gia. Năm 2009, HCB, HCĐ tại giải Vô địch trẻ Đông Nam Á. Năm 2010, HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc. Năm 2011, HCV giải vô địch Quốc gia, HCB SEAGames. Năm 2012, HCV, HCB Vô địch Đông Nam Á. Năm 2013, HCV nội dung đồng đội giải Vô địch Quốc gia. Thành công của môn đấu kiếm một lần nữa khẳng định hướng đi đúng đắn trong chiến lược phát triển “đi tắt đón đầu” thể thao thành tích cao Bắc Ninh.

Môn thể thao còn mới và xa lạ

Trước kia, thanh kiếm luôn gắn liền với trận mạc. Ngày nay, kiếm được sử dụng như một dụng cụ để tập luyện thể thao, nhằm tăng cường sự dẻo dai, nâng cao sức khỏe, hình thành một phản xạ nhanh nhạy cho người tập luyện… Tuy nhiên môn thể thao này còn mới và xa lạ với nhiều người, bởi thế việc tuyển chọn VĐV cũng không hề đơn giản. Năm 2006, được sự giúp đỡ của Ban huấn luyện Quốc gia phối hợp với chuyên gia nước ngoài, đội tuyển đấu kiếm của tỉnh đã về các trường THCS ở các địa phương để tuyển chọn lứa VĐV đầu tiên cho đội tuyển. Với tiêu chí tuyển chọn khắt khe, chỉ em nào có các tố chất như: Sải tay phải dài, hình thể cao, phản xạ nhanh mới được sơ tuyển. Nhiều khi tuyển chọn được rồi nhưng vấp phải sự phản đối của gia đình, vì thế ban huấn luyện lại phải xuống tận nhà tuyên truyền, vận động đối với gia đình và bản thân các em.

Đấu kiếm là môn thể thao đối kháng, hai đấu sĩ thi đấu (còn gọi là kiếm sĩ) sẽ mặc áo bảo hộ màu trắng, sử dụng các loại kiếm thuộc ba thể loại: Kiếm ba cạnh, kiếm chém, liễu kiếm để đâm vào các bộ phận của đối phương. Khi chơi môn này người chơi phải tuân thủ các quy tắc mang mặt nạ cùng găng tay chuyên dụng để bảo vệ ống và cánh tay, áo và quần giáp, tất cả đều phải có đai giữ sau lưng. Thường trong áo bảo hộ có gắn vi mạch điện tử, nếu kiếm sĩ đâm trúng đối phương thì máy sẽ báo hiệu để tính điểm. Người chơi sử dụng kiếm không có lưỡi, đầu kiếm tròn với đường kính 5-8mm nên đâm vào người sẽ không gây chấn thương. Không giống như đấu kiếm “một mất một còn”, liễu kiếm là môn thi đấu tính điểm. Nó đòi hỏi người thi đấu phải khéo léo, phản xạ nhanh, tính toán để có đường kiếm đạt điểm tối đa.

Vượt qua khó khăn, vươn tới thành công

Nhà thi đấu đa năng của tỉnh là địa điểm tập luyện chính của 16 kiếm thủ từ 13 đến 22 tuổi. Ở đây các VĐV phải vượt qua một giáo án khắt khe với khung thời gian nghiêm ngặt nhất. Mỗi một ngày trung bình một kiếm thủ phải tập từ 3-4 giờ nếu là ngày học văn hóa, còn không thì từ 6-7 giờ.

Để có được những tấm HCV đó, mỗi kiếm thủ luôn phải nỗ lực hết mình vượt qua những khó khăn về vật chất cũng như áp lực về tinh thần. Không ít kiếm thủ trong quá trình tập luyện gặp phải những chấn thương nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và sự nghiệp thi đấu của mình. Ví như kiếm thủ Tống Văn Thường là VĐV triển vọng nhất khi em liên tiếp đoạt được những tấm huy chương trong cũng như ngoài nước. (Năm 2009, VĐV Tống Văn Thường đoạt HCB, HCĐ tại giải vô địch Đông Nam Á và HCV Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010). Còn rất nhiều VĐV gặp phải những chấn thương như bong gân, dãn dây chằng…

VĐV Bùi Văn Tài bầy tỏ: Em được như ngày nay phần lớn nhờ sự dìu dắt, giúp đỡ của ban huấn luyện cũng như sự động viên, khích lệ của gia đình, bè bạn. Thời gian tới em sẽ tích cực cùng toàn đội nỗ lực hơn nữa trong tập luyện để đạt thành tích tốt nhất đem vinh quang về cho tỉnh nhà.

Vượt qua những vất vả, cực nhọc hàng giờ, hàng ngày, những giọt mồ hôi đang chảy hôm nay sẽ là thành quả, vinh quang của mỗi kiếm thủ và thể thao tỉnh nhà ngày mai.

Top