Tại Điều 65, Mục 1, Chương V của Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012, quy định về đối thoại tại nơi làm việc được tiến hành định kỳ 3 tháng 1 lần hoặc theo yêu cầu của mỗi bên. Song, thực tế hiện nay các KCN, KCX, KKT của các tỉnh, thành phố phía Bắc, số lượng các doanh nghiệp quan tâm và thực hiện việc tổ chức đối thoại tại nơi làm việc còn chưa nhiều; nội dung và chất lượng của các buổi đối thoại còn chưa đảm bảo; thành phần tham gia chưa đầy đủ theo quy định; BCH Công đoàn cơ sở ở một số đơn vị, doanh nghiệp còn chưa phát huy hết vai trò của mình trong việc phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đối thoại, chưa làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp và đoàn viên, CNLĐ…
Đa số các ý kiến tại hội thảo đều thống nhất: Để nâng cao chất lượng tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở hoặc cấp trên trực tiếp cơ sở (nơi chưa có tổ chức CĐCS) cần quan tâm làm tốt việc lựa chọn các thành viên tham gia đối thoại. Lựa chọn nội dung đối thoại để trao đổi, thống nhất với người sử dụng lao động trước khi diễn ra đối thoại.
Ngoài các buổi đối thoại định kỳ, khi có phát sinh vấn đề bức xúc, cấp thiết liên quan đến quyền lợi người lao động cần được giải quyết ngay, công đoàn cơ sở hoặc công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần tập hợp nhanh yêu cầu của người lao động thông qua tổ công đoàn, công đoàn bộ phận hoặc các tổ, đội sản xuất để thống nhất nội dung đối thoại bằng văn bản gửi người sử dụng lao động yêu cầu tổ chức đối thoại đột xuất… Đồng thời, cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ công đoàn trong việc triển khai hoạt động và giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ tại đơn vị, doanh nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho người lao động để họ biết và thực hiện tốt trách nhiệm, quyền lợi của mình.