khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 04/04/2014 - 08:50

Cặp liền anh mẫu mực của làng Quan họ Châm Khê

Nhiều người chơi Quan họ đất Kinh Bắc biết và nể trọng cặp liền anh Nguyễn Công Dứa-Nguyễn Công Lụt ở làng Quan họ gốc Châm Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh) bởi tài năng, lối ứng xử nhã nhặn, mực thước. Nặng lòng với Quan họ, hai ông đang ngày ngày truyền dạy cho các thế hệ kế cận với ước nguyện gìn giữ lối chơi Quan họ cổ - di sản quý báu của quê hương.

Đến Châm Khê ngày nay, ít ai còn nhận ra bóng dáng cổ kính của làng Bùi (tên nôm của làng Châm Khê xưa) bởi làng giờ đã lên phố với những con đường trải bê tông thẳng tắp và nhà cao tầng san sát. Len lỏi qua những bãi tập kết nguyên liệu và tiếng ồn ã của máy móc, xe cộ làng nghề, tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Công Dứa, Nguyễn Công Lụt trong một con ngõ nhỏ. Tuổi đã ngoài thất thập nhưng hai ông vẫn giữ được vóc dáng nhanh nhẹn và đặc biệt là giọng hát Quan họ mượt mà, hòa quện từng nức tiếng khắp các làng Quan họ trong vùng.

Vốn là hai anh em họ, ngay từ nhỏ ông Dứa, ông Lụt đã được theo ông bà, cha mẹ đi nghe, xem và hát Quan họ ở khắp nơi. Thấy hai người cháu say mê lại hợp giọng, người chú Nguyễn Công Thuần đã ghép thành một đôi và trực tiếp truyền dạy nghề chơi Quan họ.

Ông Dứa kể lại: “Thời đó chưa có điều kiện băng đĩa, thu âm như bây giờ nên cứ cơm tối xong là cả hai lại đến nhà chú để học truyền khẩu từng câu Quan họ. Vừa học, vừa luyện giọng cho nhuần nhuyễn, thành thạo. Khi đã thuộc hơn 100 bài mới dám theo các bậc cha chú đi hát đối đáp với các làng khác”.

Yêu và say những canh hát Quan họ, hai ông đã miệt mài sưu tầm hết những câu Quan họ cổ trong làng và tự sáng tác thêm câu mới để đối đáp lại câu Quan họ khó của làng bạn. Vốn liếng Quan họ vì thế mà ngày càng dày thêm lên tới hơn 300 bài.

Theo ông Dứa như vậy mới “đủ để tự tin hát đối đáp với các liền chị làng Diềm, Đào Xá, Yên Mẫn, Bồ Sơn, Lũng Giang… vốn đã tinh tường nghề chơi từ lâu. Còn nhớ có lần anh em chúng tôi dự một canh hát với các liền chị làng Diềm ở Đền thờ Vua Bà. Hát say mê từ chập tối đến tinh mơ không bên nào chịu thua bên nào.Về sau, mỗi lần mở canh, các liền chị làng Diềm lại sang mời chúng tôi”.

Quan họ Châm Khê không chỉ phong phú về số câu mà còn rất mẫu mực về cách chơi, lối hát. Đi hát ở nhiều nơi, ông Dứa, ông Lụt tự hào làng mình vẫn giữ được “chất Quan họ”, không chịu ảnh hưởng từ các loại hình dân ca, nhạc cổ khác như: Thị Cầu (ảnh thưởng từ hát Tuồng), Ngang Nội (ảnh hưởng từ hát Chèo), Lũng Giang (ảnh hưởng của hát Cửa Đình và Chèo Chải hê)… Cách hát của làng Châm Khê là phải bảo đảm đủ độ “vang, rền, nền, nảy”, đòi hỏi người hát phải khổ luyện để biết cách lấy hơi, giữ hơi sao cho dài nhưng vẫn đều, như vậy mới đủ sức để hát những câu khó, hát cả ngày mà không mệt.

Quan họ Châm Khê có những lối hát mà không làng nào có như lối hát năm canh kép, la rằng kép… Khi hát, ở mỗi trổ sau phải lặp lại ý tứ, câu chữ ở trổ trước rồi mới hát tiếp. “Đây là lối hát cổ chỉ Châm Khê mới có. Cách hát tương đối phức tạp nên người hát phải có trình độ kỹ thuật cao. Hiện cả làng chỉ có tôi và ông Dứa là còn hát được. Nhiều người biết đã tìm đến học nhưng chưa ai hát được thành thạo”, ông Lụt cho biết.

Cũng bởi trót say cái tứ của mỗi câu hát, quý cái tình của người Quan họ mà dù tuổi đã cao, hai ông vẫn miệt mài với những buổi hát canh và truyền dạy lại cho thế hệ sau. Các ông đã tự mình ghi chép, thu âm toàn bộ vốn liếng Quan họ để truyền lại con cháu và các học trò. Với quan điểm không giấu nghề, hễ ai yêu Quan họ, muốn học Quan họ tìm đến đều được tận tình chỉ dạy, dưới sự dìu dắt của hai ông, nhiều cặp liền anh đã thành nghề, trở thành lớp kế cận xứng đáng cho Quan họ Châm Khê như các cặp: Hùng-Tình, Sáng-Hữu, Ba-Tạo, Quyền-Ba, Cau-Minh… Trong số đó, không ít người đã thành danh, đạt nhiều giải thưởng và đang tiếp tục sự nghiệp truyền bá Quan họ đi khắp mọi miền đất nước.

Tâm nguyện lớn nhất của hai ông lúc này là bảo tồn những câu hát cổ bởi đó chính là linh hồn của thú chơi Quan họ.“Đến canh hát bây giờ chủ yếu là những đôi bạn già chúng tôi hát với nhau chứ người trẻ hiếm lắm. Cũng bởi người trẻ bây giờ ít chịu học hát lối cổ mà ưa học hát lối mới để biểu diễn sân khấu, mà hát canh phải là Quan họ cổ. Phần chúng tôi còn hơi sức thì còn truyền dạy. Thêm một học trò là mừng. Chỉ mong sao những câu hát cổ không bị thất truyền”, ông Dứa tâm sự.

Thương Huyền
Top