Sau dịch người chăn nuôi vẫn điêu đứng đầu ra
Đầu tháng 1, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện DCGC tại 10 hộ thuộc 6 thôn, 5 xã, phường của các huyện Tiên Du, Yên Phong, thị xã Từ Sơn và thành phố Bắc Ninh làm 12.000 con gia cầm bị chết và tiêu hủy. Mặc dù dịch bệnh đã nhanh chóng được khống chế, nỗi lo dịch bệnh đã tạm lắng xuống (ngày 13-2, UBND tỉnh có Quyết định số 134/QĐ-UBND về việc công bố hết DCGC nhưng thay vào đó, thị trường đầu ra của gia cầm quá chậm cộng với chi phí đầu vào tăng cao dẫn đến số hộ chăn nuôi giảm mạnh; một số hộ tạm dừng chưa tái đàn hoặc chỉ nuôi cầm chừng.
Người chăn nuôi mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ, tiêu thụ sản phẩm để ổn định và phát triển sản xuất.
Đã 2 tháng nay, ngày nào vợ chồng ông Nguyễn Văn Vọng, bà Dư Thị Nụ, thôn Thiện Dũ, xã Ninh Xá (Thuận Thành) cũng rầu rĩ bởi hơn 9.000 gà đẻ trứng của gia đình rớt giá thảm hại và khó tiêu thụ. Hiện giá bán trứng tại chuồng là 1 nghìn 200 đồng/quả, thấp hơn chi phí sản xuất 400 đồng/quả. Vì vậy 2 tháng nay, bình quân mỗi ngày gia đình ông Vọng thua lỗ trên dưới 4 triệu đồng tiền thức ăn chăn nuôi chưa kể đến công sức chăm sóc, tiêm phòng. Hiện lượng trứng tồn đọng hơn 10 nghìn quả. Nếu cứ đà này, chả mấy chốc gia đình ông mất đi tiền tỷ.
Ông Vọng thổ lộ: “Bình quân mỗi ngày trại thu hoạch khoảng hơn 8.000 quả trứng. Cùng thời điểm này năm trước giá trứng dao động 2.000-2.500 đồng/quả, thương lái đến tận trại lấy trứng, giờ tụt xuống chỉ còn khoảng 1.200 đồng/quả mà còn khó bán. Chúng tôi đang rất lo lắng vì giá trứng sụt giảm mạnh trong khi chi phí thức ăn chăn nuôi, tiền công trả cho người lao động không hề giảm; bán thì lỗ, mà không bán thì không có kinh phí để tiếp tục duy trì sản xuất”.
Được biết, trước Tết Nguyên đán ông Vọng đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng thêm 1 khu chuồng diện tích gần 1.000 m2, quy mô 4 dãy chuồng có sức chứa 10 nghìn con gà đẻ. Nếu đi vào chăn nuôi, mỗi ngày sẽ cho ra từ 9 nghìn-9 nghìn 500 quả trứng thương phẩm. Tuy nhiên, vì giá trứng trên thị trường hiện không tương xứng với giá thành sản xuất nên gia đình ông Vọng chưa dám mua gà giống về để sản xuất.
Cùng trong tình trạng đó, hơn 1 tháng nay, ông Ngô Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh ở xã Đông Thọ (Yên Phong) “đứng ngồi không yên” với đàn gà gần 1.000 con bị tồn đọng. Ông Chiến cho biết: “Từ cuối năm 2013 đến nay, giá gà xuống rất thấp, có thời điểm chỉ còn khoảng 35.000-40.000 đồng/kg trong khi giá lúc cao điểm là hơn 100.000 đồng/kg. Những lứa trước, chúng tôi chỉ nuôi khoảng 40 ngày là gà đạt trọng lượng 2kg, có thể xuất chuồng; nhưng nay khó khăn trong khâu tiêu thụ, lại tốn thêm chi phí thức ăn và công chăm sóc... Theo tính toán, với giá thành như hiện nay thì cứ nuôi 1.000 con gà đến khi xuất bán sẽ bị lỗ khoảng 15 triệu đồng. Nếu tình hình này kéo dài, chẳng bao lâu nữa người chăn nuôi sẽ phá sản”.
Tình hình chăn nuôi những năm gần đây quá bấp bênh, nay thêm gánh nặng của hậu DCGC, giá liên tục giảm, khó tiêu thụ nên người chăn nuôi hầu như không nghĩ đến chuyện tái đàn. Theo các chủ trang trại, gia trại chăn nuôi trong tỉnh, nguyên nhân làm cho giá gia cầm, sản phẩm từ gia cầm giảm mạnh là do nguồn cung đã vượt quá cầu; cộng với việc hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đều có lệnh cấm nhập gà, vịt từ các tỉnh khác vì lo ngại DCGC lây lan. Trong khi đó, hiện nay, đàn gia cầm trong tỉnh có khoảng hơn 3 triệu con, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh, thành phố lân cận. Do vậy, khi đầu ra bị tắc, lập tức giá gia cầm giảm mạnh là điều khó tránh khỏi.
Để “mối lo cũ không còn trong vụ nuôi mới”
Chuyện giá cả thị trường lên xuống người chăn nuôi có thể “binh” thắng thua để tồn tại. Đáng lo nhất vẫn là tình hình dịch bệnh cứ tái diễn năm này qua năm khác và sau dịch là biết bao hệ lụy mà người chăn nuôi phải gánh chịu. Theo ông Nguyễn Nhân Lừng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh thì để “mối lo cũ không còn trong vụ nuôi mới”, hạn chế tối đa dịch bệnh cho đàn vật nuôi thì việc tiêm phòng, vệ sinh khử trùng tiêu độc ngay tại trang trại, gia trại là điều cần thiết và quan trọng nhất.
Thời điểm này HTX chăn nuôi Cường Thịnh đang cố duy trì đàn gà giống và gà thương phẩm.
Hiện nay, những trang trại chăn nuôi có đăng ký với ngành chức năng quản lý từ khi nhập gia cầm, giám sát trong quá trình tiêm phòng (đặc biệt là trong quá trình tiêm cúm gia cầm) sẽ được cấp giấy kiểm dịch khi có nhu cầu. Đặc biệt trong giai đoạn này cần kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, không để dịch bệnh phát sinh, bùng phát lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi. Một giải pháp cũng khá quan trọng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là hãy tận dụng nguồn thức ăn tự sản xuất được để chăn nuôi, đồng thời tính toán cụ thể các yếu tố đầu vào, cơ cấu lại quy mô nhằm làm giảm giá thành và nâng cao hiệu quả kinh tế.
Về lâu dài, tỉnh cần có chiến lược phát triển ngành chăn nuôi phù hợp, lấy chăn nuôi tập trung quy mô lớn, trang trại là chính, bảo đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường, kiểm soát tốt nguồn con giống, dịch bệnh, tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất nhằm tạo sự phát triển bền vững. Cùng với đó là tạo ra những mối liên kết hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, tạo ra chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Để đạt được điều đó, ngoài sự chủ động, tích cực của các hộ chăn nuôi rất cần có sự liên kết, phối hợp của các doanh nghiệp và sự hỗ trợ của các ngành chức năng… giúp ngành chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, tiếp tục trụ vững và thực sự trở thành ngành mũi nhọn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn của địa phương.