khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 07/04/2014 - 09:09

Nhiều cung bậc cảm xúc

Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc năm nay được tổ chức trên quê hương Quan họ có sự tham gia của gần 300 nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên đến từ 23 Chi hội âm nhạc, đoàn nhạc sĩ của 23 tỉnh, thành phố.

Sau lễ dâng hương trước tượng đài Lý Thái Tổ, Liên hoan chính thức khai mạc. Mở đầu là những tiết mục văn nghệ chào mừng của đơn vị chủ nhà thể hiện được lối chơi và những giá trị nghệ thuật của dân ca Quan họ. Từ hát Quan họ mộc lời cổ, đối đáp đến hát quan họ nhạc, lời mới đã thể hiện sự sáng tạo trong xu hướng phát triển của dân ca Quan họ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam không khỏi ấn tượng trước những tiết mục khai hội đặc sắc của những liền anh, liền chị Nhà hát dân ca Quan họ Bắc Ninh: Không chỉ giới thiệu được cái hay, cái đẹp trong cách chơi Quan họ của người Quan họ mà còn thể hiện được tính truyền thống vừa mang tính bảo tồn vừa có tính phát triển.
 

Đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam trao giải cho các nhạc sĩ có tác phẩm đoạt giải A.

Trong ngày khai mạc 52 tiết mục là những sáng tác mới nhất, được các nhạc sĩ trong khu vực các tỉnh, thành phố phía Bắc, đầu tư công sức, trí tuệ trong sáng tác, hòa âm, phối khí đến dàn dựng công phu đã được trình diễn trong Liên hoan. Những tác phẩm mang đặc trưng nét văn hóa vùng, miền của 23 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như Tiếng sáo ôi (Đoàn Hòa Bình); Chợ xuân (Đoàn Điện Biên); Lên quê em Tả Phời (Đoàn Lào Cai); Tình Quan họ (Đoàn Bắc Ninh)… Bên cạnh đó, một số nhạc phẩm đã khai thác chủ đề người lính và biển đảo, sự đổi thay của quê hương, đất nước; nhiều tác giả trẻ mạnh dạn đưa những quan niệm của riêng mình về cuộc sống, tình yêu vào tác phẩm đem lại tình cảm cho người yêu âm nhạc của Bắc Ninh nói riêng và những người yêu âm nhạc cả nước nói chung.

Xen giữa phần trình diễn những tác phẩm mới của các đoàn, Hội Nhạc sĩ Việt Nam còn tổ chức Hội thảo với chủ đề “Âm nhạc khu vực phía Bắc truyền thống và đương đại”. Tại đây, các đoàn được đồng chí Nguyễn Tử Quỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giới thiệu khái quát về điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa, con người Bắc Ninh, những thành tựu nổi bật mà tỉnh đạt được sau 17 tái lập và phát triển. Một vùng đất đầy ắp những dấu tích lịch sử, được kết tinh trong những di sản văn hóa tiêu biểu; vùng đất của thi ca, âm nhạc với nền văn hóa, nghệ thuật phong phú. Chính nền tảng và chiều sâu văn hóa là động lực quan trọng để ngày nay Bắc Ninh hội nhập và phát triển, từ đó tạo ra một dòng chảy âm nhạc đậm đà bản sắc Bắc Ninh-Kinh Bắc.

Bàn luận về âm nhạc hiện nay, có nhiều ý kiến, bằng lý giải xác đáng, những minh chứng sống động, cụ thể đã khái quát bức tranh phát triển của nền âm nhạc Việt Nam. Các nền âm nhạc của mỗi dân tộc đều có sự đan xen giữa, hòa quyện giữa các làn điệu, nhưng vẫn tổng hòa trong nền âm nhạc đương đại. Một ca khúc đi vào tâm hồn công chúng chính là sự kết tinh tinh hoa của âm nhạc truyền thống được thổi hơi thở cuộc sống đương đại. Bởi âm nhạc đích thực là xúc cảm khi những lời ca, giai điệu chạm tới được trái tim. Một nền âm nhạc phát triển hài hòa, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại sẽ được công chúng đón nhận, trân trọng.

Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam nhấn mạnh vấn đề “bảo tồn và phát huy, kế thừa và phát triển” là điều giới nhạc sĩ cần quan tâm để làm sao khi sáng tác ca khúc mới vừa có tính kế thừa nhưng phải có sự phát triển để phù hợp với đời sống âm nhạc đương đại. Kế thừa âm sắc, nhạc cụ, cách hát, nhả chữ, nảy chữ… từ đó làm thăng hoa trong xử lý câu chữ, giai điệu để toát lên hồn cốt của dân ca nhưng phải phù hợp với thời đại. Cần nuôi dưỡng tâm hồn từ “nguồn sữa dân gian” những làn điệu dân ca để ngấm dần mới có thể “nhả” tự nhiên ra những ca từ, giai điệu mới, nhưng cũng cần sự tỉnh táo để sáng tạo.

Nhạc sĩ Cát Vận, Chi hội Âm nhạc Việt Nam thành phố Hà Nội lại bày tỏ quan điểm: “Nâng cao và cải tiến” là những khái niệm xa vời với dân ca, chúng ta chỉ có thể phát triển những gì vốn có của dân ca để tạo ra sự sáng tạo. Âm nhạc truyền thống là nền tảng, gốc rễ của âm nhạc đương đại. Phát triển âm nhạc đương đại phải dựa vào âm nhạc truyền thống và tài năng sáng tạo của người nhạc sĩ. Một nền âm nhạc chuyên nghiệp cần phát triển đồng đều, hài hòa giữa khí nhạc, thanh nhạc để bổ sung hỗ trợ nhau.

Nằm trong khuôn khổ của Liên hoan, sáng 5-4, Ban tổ chức tạo điều kiện cho các đoàn đi thăm quan thực tế tại KCN Tiên Sơn để từ đó giúp mỗi nhạc sỹ có cái nhìn thực tế về cuộc sống của người lao động trong thời kỳ hội nhập và công nghiệp hóa, hiện đại hóa hôm nay, tạo niềm cảm hứng trong sáng tác để có những ca khúc mang hơi thở của thời đại.
 

Các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của các đoàn nghe một canh hát Quan họ cổ tại đình làng Diềm (Hòa Long, thành phố Bắc Ninh).

Về làng Quan họ gốc Viêm Xá (Diềm), xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, những nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của các chi hội nhạc sĩ, đoàn nhạc sĩ đến dâng hương đền thờ Vua Bà Thủy tổ Quan họ, được giới thiệu những giá trị lịch sử, vănhóa của khu di tích, về công lao của Vua Bà khi sáng tạo và truyền dạy dân ca Quan họ cho nhân dân trong vùng. Tại đây, đoàn được thưởng thức một canh hát cổ đúng lề lối tại đình làng Diềm, do các nghệ nhân và liền anh, liền chị của làng biểu diễn. Không khỏi ngạc nhiên trước giai điệu, ngôn từ của Quan họ, các nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên còn khâm phục giọng ca của những nghệ nhân Quan họ ngoài 90 tuổi nhưng giọng vẫn “vang- rền- nền- nảy”, vẫn xử lý thành thục trong cách lấy hơi, nhả chữ. Trải nghiệm thực tế tại đây đã khiến mỗi người trong đoàn thêm hiểu về những giá trị, những tinh hoa được chắt lọc từ ngàn năm của dân ca Quan họ, từ đó thêm yêu và trân trọng hơn với các nghệ nhân và dân ca truyền thống.

Tối ngày 5-4, cùng với 5 tiết mục của những danh ca nổi tiếng như NSND Quang Thọ, ca sĩ Đăng Dương, Hương Lan, Ban tổ chức đã lựa chọn 12 tiết mục đặc sắc, đặc trưng cho nét văn hóa vùng miền trong số 52 tác phẩm tham dự tại Liên hoan để biểu diễn, tạo lên những cung bậc cảm xúc khó quên cho khán giả.

Nhận xét tại buổi bế mạc của Liên hoan, thay mặt BTC, Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Phó Trưởng Ban thẩm định các tiết mục của Liên hoan khẳng định: Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc lần thứ 24 tại Bắc Ninh đã thành công tốt đẹp với sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh và công chúng. Liên hoan được tổ chức hàng năm như một cuộc sát hạch âm nhạc của giới nhạc sĩ, thúc đẩy mỗi nhạc sĩ phải nỗ lực tìm ra cái mới, mà có sáng tạo mới có sáng tác. Qua Liên hoan sẽ đánh thức tiềm năng của mỗi đoàn, mỗi nhạc sĩ để từ đó tạo ra sắc thái riêng nhưng vẫn tổng hòa trong sự phái triển chung của nền âm nhạc nước nhà. Tuy nhiên, tại Liên hoan Âm nhạc lần thứ 24 này, không ít những tác phẩm mới còn gượng ép, chủ đề nghệ thuật, tư tưởng không mới, tản mạn, chưa chắt lọc, nhiều tiết mục còn hát nhép, xử lý cung quãng, tiết tấu còn sai lệch nên chưa chạm được đến trái tim người nghe.

Qua 2 ngày với nhiều hoạt động ấn tượng về một Bắc Ninh đổi mới, phát triển nhưng vẫn gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống đã in đậm trong tâm tưởng mỗi thành viên các đoàn nghệ thuật. Tác giả Đình Chiểu (Đoàn Thái Bình) tâm sự: Chính những tình cảm nồng hậu của người Quan họ, những đổi thay trên quê hương Bắc Ninh, những giá trị văn hóa được bảo tồn, trân trọng đã tạo cho tôi cảm hứng viết lên ca khúc Về miền Quan họ. Chắc chắn, ấn tượng về Liên hoan Âm nhạc lần này sẽ không bao giờ phai nhạt trong mỗi người tham dự. Còn nhạc sĩ Nguyễn Hùng, Chi hội âm nhạc tỉnh Phú Thọ, người có ca khúc Ngẫu hứng Kinh Bắc được UBND tỉnh khen thưởng dự định tới đây sẽ cho ra đời thêm những tác phẩm viết về Bắc Ninh, bởi vùng đất, con người nơi đây đã để lại nhiều tình cảm sâu đậm.

Liên hoan Âm nhạc khu vực phía Bắc đã kết thúc nhưng dư âm của nó còn đọng lại. Hy vọng những tác phẩm âm nhạc được công diễn tại liên hoan sẽ góp thêm động lực để các nhạc sỹ, ca sỹ tại các tỉnh, thành trong khu vực tiếp tục sáng tạo nghệ thuật, làm phong phú hơn đời sống âm nhạc hôm nay.
 

- Tối 5-4, Ban tổ chức Liên hoan trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam cho các đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn- Sỹ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nhân Chiến, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Tử Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Ngô Văn Diện, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;  Nguyễn Công Hảo, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh; Nhạc sĩ Trọng Tĩnh và Đức Miêng.

- Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng Bằng khen cho 12 tác phẩm đoạt giải A, kèm theo số tiền 2 triệu đồng/1 tác phẩm; 26 tác phẩm đoạt giải B, kèm theo 1,5 triệu đồng/1 tác phẩm.

- UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 2 tập thể kèm theo tiền thưởng 2 triệu đồng/ 1 đơn vị; 3 nhạc sĩ có ca khúc viết về Bắc Ninh-Kinh Bắc hay nhất kèm theo 1.150.000 đồng/1 tác phẩm.

- Ban Tổ chức tặng Bằng khen cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp vào thành công của Liên hoan, kèm theo 300 nghìn đồng/đơn vị.

- Tại Liên hoan Âm nhạc năm nay, Chi hội Âm nhạc tỉnh tham dự 7 tác phẩm của 7 tác giả, kết quả: Tác phẩm “Tình Quan họ” Vũ Viết Đắc đoạt giải A; 3 tác phẩm “Về thăm Phố Mới” Trọng Tĩnh, “Nụ cười xuân” Nguyễn Trung, “Biển quê hương” Văn Bốn đoạt giải B.

 

V.T – Đ.Q
Top