Ba “Ông tướng” cầm trùy trong đám rước được tuyển chọn bảo đảm rất nhiều tiêu chuẩn: khỏe mạnh, đĩnh đạc...
Phần hội trong lễ hội Đền Đô có nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao phong phú như: Hát Quan họ, hát Tuồng, triển lãm sinh vật cảnh, thi đấu bóng chuyền hơi, cầu lông, bóng bàn… Cùng nhiều trò chơi dân gian độc đáo, thú vị khác như: Chọi gà, đấu vật, cờ tướng, đập niêu, thi tổ tôm điếm, thi gói bánh phu thê, thi nấu cơm niêu đất…
Nhân dân Đình Bảng kể rằng, nguồn gốc của tục thi nấu cơm niêu đất xuất phát từ việc triều Lý rất coi trọng khuyến nông mà câu hát dân gian còn ca ngợi “Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/ Lúa tốt đầy đồng, thóc chất đầy kho”. Truyền rằng, Lý Thánh Tông và Nguyên Phi Ỷ Lan từng về quê Cổ Pháp cày ruộng, gặt hái cùng dân và trở thành ngày hội khuyến nông. Để tỏ lòng biết ơn, các bậc kỳ lão trong làng đã bảo con cháu nấu nồi cơm quê để dâng cúng Tiên vương và mời vua cùng Nguyên Phi Ỷ Lan ngự bữa. Nồi nấu cơm nặn bằng đất thó mịn nung già, cơm nấu bằng gạo tám thơm hạt nhỏ, nhiều nhựa, săn dẻo, đượm hương do những nam thanh nữ tú đảm nhiệm. Sau khi dùng bữa cơm quê thơm ngon, đượm tình ấy, nhà vua đã thấu hiểu được lòng dân và cho tổ chức thi tài nấu nướng. Cũng từ đó, ở Cổ Pháp có tục thi nấu cơm niêu đất trong ngày hội.
Lễ hội Đền Đô đã được các thế hệ nhân dân Đình Bảng gìn giữ, lưu truyền qua hàng trăm năm và ngày nay trở thành một phong tục văn hóa truyền thống giàu ý nghĩa, không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân địa phương. Lễ hội Đền Đô mặc dù là lễ hội của làng nhưng cũng là của nhân dân cả nước, như tiếng vọng cội nguồn nhắn nhủ các thế hệ mai sau luôn biết trân trọng, gìn giữ tinh hoa mà tổ tiên đã dày công xây đắp.