khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 14/04/2014 - 08:54

Chặng nước rút quyết định hướng phân luồng

Thời hạn nộp hồ sơ thi ĐH năm 2014 từ 17-3 đến 17-4. Tuy nhiên chặng nước rút nộp hồ sơ quyết định hướng phân luồng cho các cơ sở giáo dục thường diễn ra vào khoảng 5 đến 7 ngày cuối, phần vì thí sinh tìm hiểu thông tin, mặt khác cũng là thời điểm nhiều trường ĐH về tận các trường THPT để tư vấn tuyển sinh, quảng bá cho đơn vị mình…

Thi thử để phân luồng

Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT, ngoài kỳ thi thử ĐH cấp tỉnh do Sở GD-ĐT tổ chức, các trường THPT đều phải tự tổ chức nhiều kỳ thi riêng theo từng khối thi. Thông qua kết quả thi, giáo viên chủ nhiệm thống kê số thí sinh có điểm 3 môn thi ĐH dưới 9 điểm, từ 10 đến 15 điểm, từ 15 điểm trở lên… để hướng nghiệp cho các em nên thi trường nào, ngành gì, nhất là những ngành, nghề có nhiều cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Làm tốt và bài bản công việc này là các trường THPT Yên Phong 1, Thuận Thành 1, Quế Võ 1…
 

Hội sinh viên đồng hương Kinh Bắc tại Hà Nội tư vấn thi ĐH năm 2014 cho học sinh lớp 12 thành phố Bắc Ninh.

 

Khó nhất trong công tác phân luồng hướng nghiệp chính là tuyên truyền để những thí sinh không có khả năng đỗ ĐH không thi ĐH, bởi vẫn còn nhiều em học lực trung bình hoặc yếu biết không thể đỗ nhưng vẫn cứ thi cho biết. Trên thực tế, số cử nhân thất nghiệp ngày càng tăng trong khi nhu cầu nhân lực có tay nghề cao đáp ứng yêu cầu trong các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp lại thiếu trầm trọng.

Ông Nguyễn Đình Hoạt, Hiệu trưởng Trường THPT Thuận Thành 2, chia sẻ: “Tại Thuận Thành nói chung, công tác tư vấn cực khó, trường chỉ có thể khuyên các em học lực trung bình không nên thi ĐH, chứ không được phép cấm các em. Nguyên nhân vẫn do nhận thức chưa đúng của một bộ phận không nhỏ phụ huynh, học sinh. Rồi bản thân nhà trường vẫn chưa chuyên nghiệp trong tư vấn. Là trường loại 2, chất lượng đầu vào còn hạn chế nhưng năm 2014 toàn trường vẫn có tới 455/547 học sinh lớp 12 đăng ký thi ĐH, chiếm hơn 83%, trong đó đăng ký thi ĐH 445 em, chiếm 81,4%; đăng ký thi CĐ chỉ có 10 em, chiếm 1,8% …”.

Tại Trường THPT Phố Mới (Quế Võ), Hiệu trưởng Nguyễn Văn Thiềng cho biết: Do chất lượng đầu vào rất thấp nên trường luôn coi trọng vấn đề hướng nghiệp phân luồng. Năm 2014 trường có 386 thí sinh thi tốt nghiệp THPT nhưng chỉ có gần 80 em, chiếm 20% đăng ký thi ĐH, số còn lại cơ bản đăng ký học nghề, hoặc sẽ đi làm việc trong các khu công nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Năm 2013, toàn tỉnh có hơn 14.000 lượt thí sinh thi ĐH, CĐ trong đó 75% đạt điểm sàn ĐH, CĐ. Năm 2014, Sở GD-ĐT khuyến khích các trường THPT loại 2 và các trường ngoài công lập tích cực tuyên truyền để những em học lực trung bình trở xuống không nên thi ĐH tránh tự tạo áp lực, lại tốn kém không cần thiết cho chính bản thân, gia đình các em, thậm chí cho xã hội. ĐH không bao giờ là con đường duy nhất của mọi thí sinh.

Ôn thi “2 trong 1”

Với những thí sinh dự thi ĐH, thì quy chế thi tốt nghiệp THPT 2014 của Bộ GD-ĐT gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn (trong số 6 môn: Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Ngoại ngữ) rất thuận cho các em ôn thi “2 trong 1” gồm cả tốt nghiệp và thi ĐH. Những thí sinh dự thi bất cứ khối nào (A,B,C,D) đều cơ bản đăng ký 2 môn thi tốt nghiệp đồng thời là môn thi ĐH chẳng hạn thi khối A sẽ đăng ký 2 môn tự chọn thi tốt nghiệp là Hóa, Lý; khối B đăng ký môn thi tự chọn là Hóa, Sinh; khối D đăng ký môn thi tự chọn là Ngoại ngữ và 1 môn khác…

Trong số 6 môn thi tự chọn, môn Sử ít thí sinh đăng ký dự thi nhất. Lý do khối C có ít trường thi nhất. Còn đối với những thí sinh không dự thi ĐH, các em thường chọn Địa lý nhiều hơn, vì Địa lý dễ học dễ nhớ và dễ thuộc hơn Lịch sử, trong quá trình thi lại được mang tài liệu Atlat vào phòng thi nên cũng dễ đạt yêu cầu hơn. Tại Bắc Ninh có rất nhiều trường THPT không có thí sinh dự thi môn Lịch sử như: Phố Mới (Quế Võ), Lương Tài 3, Yên Phong 1…

Thực hiện ôn thi “2 trong 1”, nhiều trường THPT của tỉnh tiến hành theo cách sau: Buổi sáng học chính khóa, buổi chiều chia nhỏ các lớp theo năng lực trình độ và theo các khối thi, theo từng lớp riêng để thực hiện dạy ôn. Với những học sinh không dự thi ĐH, các trường cũng có kế hoạch bồi dưỡng riêng bảo đảm tính hiệu quả trong ôn tập theo năng lực, nguyện vọng của từng đối tượng học sinh.

Năm 2013, lần đầu tiên ngành GD-ĐT triển khai mạnh mẽ công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh sau THPT. Kết quả, toàn tỉnh xếp thứ 7 toàn quốc về điểm 3 môn thi ĐH (năm 2012 xếp thứ 10) và hơn 40% thí sinh đỗ ĐH, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Để giữ vững và kỳ vọng nâng bậc trong bảng xếp hạng thi ĐH toàn quốc, thì giải pháp trước mắt và lâu dài vẫn là phải làm tốt công tác phân luồng hướng nghiệp. Sớm là từ đầu cấp THPT hoặc chí ít cũng phải tuyên truyền tích cực khi các em bắt đầu vào lớp 12.

Năm 2014, ngành GD-ĐT lấy công tác phân luồng hướng nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị, lấy kết quả thi ĐH là tiêu chí quan trọng đánh giá phong trào thi đua của các trường. Do công tác phân luồng hướng nghiệp học sinh sau THPT của Bắc Ninh còn nhiều bất cập, trong suốt cả năm học, Sở GD-ĐT và các trường đã tích cực phối hợp, quyết tâm làm tốt công tác phân luồng.

Thanh Tú
Top