khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 16/04/2014 - 08:37

Tăng trưởng tín dụng khởi sắc

Khép lại quý I, nếu như bức tranh tín dụng của cả nước âm 1,05% thì các ngân hàng, tổ chức tín dụng ở Bắc Ninh lại có sự khởi sắc khi tổng dư nợ tăng 4% so với cuối năm 2013. Đây là tín hiệu tích cực khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu phục hồi, khả năng hấp thụ nguồn vốn bắt đầu vào “guồng”.

Mục tiêu hàng đầu của ngành Ngân hàng tỉnh là tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, chuyển dịch cơ cấu tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DN nhỏ và vừa, DN ứng dụng công nghệ cao, và giải quyết nợ xấu. Thời gian qua, với việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất huy động được coi là cơ sở để nguồn vốn cho vay cũng theo đó giảm dần, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn một cách thuận lợi. Trong những tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều điều chỉnh giảm lãi suất cho vay phổ biến ở mức 0,5 - 1,5% tương ứng tỷ lệ huy động nhằm kích thích tăng trưởng tín dụng. Tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh từ ngày 18-3 đã điều chỉnh lãi suất cho vay từ 9%/năm xuống còn 8%/năm của 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu,  DN vừa và nhỏ, DN ứng dụng công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ). Các khách hàng vay vốn thông thường cao nhất thời điểm này là 13%, kỳ trung và dài hạn.
 

Các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng, tập trung cho vay sản xuất kinh doanh.

Trong ảnh: Khách hàng giao dịch tại HD Bank Chi nhánh Bắc Ninh.

Trao đổi với ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT tỉnh được biết: Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tiến hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng cán bộ làm công tác tín dụng. Tính đến hết ngày 31-3, tổng dư nợ đạt 5.079 tỷ đồng, tăng khoảng 0,6% so với cuối năm 2013, huy động vốn đạt 5.750 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cuối năm 2013. Quý I hàng năm trùng vào thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán nên sản xuất kinh doanh nhập cuộc chậm, kéo theo cầu tín dụng chậm. 3 tháng đầu năm, tuy tăng trưởng tín dụng chưa cao nhưng rõ ràng có sự khởi sắc, nếu so với cùng kỳ năm 2013 thì tăng đến hơn 10% (Trong khi đó quý I năm 2013 dư nợ giảm 0,67% so với cuối năm 2012). Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng phải bảo đảm chất lượng, hạn chế nợ xấu, ngân hàng không nới lỏng điều kiện giải ngân, hồ sơ vay vốn phải được thẩm định chặt chẽ nên có những khách hàng muốn vay song không được đáp ứng. Chỉ có những dự án, phương án sản xuất, kinh doanh được đánh giá thực sự hiệu quả mới được ngân hàng xem xét cho vay.

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông dòng vốn theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời với sự quyết liệt điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt của các cấp, ngành bức tranh tín dụng có dấu hiệu khởi sắc. Hết quy I, tổng dư nợ của toàn ngành Ngân hàng tỉnh đạt gần 34.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay sản xuất kinh doanh chiếm hơn 90%, tăng 4% so cuối năm 2013 và tăng khoảng 13% so cùng kỳ năm 2013 (Quý I năm 2013, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành Ngân hàng tỉnh giảm 0,9% so cuối năm 2012). Nhìn vào con số cụ thể, tăng trưởng tín dụng thực sự khởi sắc và dự kiến tăng mạnh trong thời gian tới, đặc biệt từ quý III trở đi.

Theo chiều hướng này, mục tiêu tăng trưởng tín dụng tăng khoảng 12-14% so với năm 2013 sẽ không quá khó. Song để tạo nguồn vốn cho hộ sản xuất kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho DN bên cạnh việc cơ cấu lại nợ, các ngân hàng cũng nên có những động thái tích cực hơn như: Tiếp tục hạ lãi suất tiền vay và tăng hạn mức tín dụng, thời hạn cho vay giúp kích thích các thành phần kinh tế và người dân tiêu dùng nhiều hơn, qua đó giải quyết vấn đề hàng tồn kho, góp phần cải thiện kết quả kinh doanh cho DN. Cùng với đó rất cần một cầu nối thực sự hiệu quả từ cơ chế chính sách, đặc biệt chính sách của tỉnh làm cơ sở để DN thoát khỏi tình trạng sản xuất trì trệ, tạo niềm tin nhiều hơn với ngân hàng và các tổ chức tín dụng.

Hà Linh
Top