khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 17/04/2014 - 08:37

Nhân rộng các mô hình nghề từ hội thi tay nghề giỏi các cấp

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quan trọng để Bắc Ninh vững bước trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015. Do đó việc đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cũng như nhân rộng các mô hình nghề từ hội thi tay nghề giỏi các cấp đang là hướng đi trong công tác dạy nghề của tỉnh, đáp ứng nguồn lao động cho các khu, cụm công nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển. Từ năm 2012, Sở Lao động Thương binh và Xã hội đều tổ chức hội thi tay nghề giỏi các cấp để tạo sự cạnh tranh trong quá trình đào tạo nghề giữa các trường, đồng thời khuyến khích học sinh có tay nghề giỏi và sáng tạo.

Mô hình lắp đặt điện tại Hội thi tay nghề giỏi cấp tỉnh là một trong những nghề được nhân rộng tại các trường nghề hiện nay.

 
 
Bắc Ninh hiện có 15 khu Công nghiệp tập trung, 28 cụm công nghiệp và nhiều làng nghề truyền thống, giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, nhưng chủ yếu vẫn là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo hoặc qua đào tạo nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Vì vậy việc đào tạo nghề để tạo ra nguồn lao động có tay nghề cao đòi hỏi các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh cần phải nâng cao chất lượng dạy nghề về cả lý thuyết và thực hành để mỗi học sinh học nghề khi ra trường đều có thể tự chủ được công việc của mình, mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp.

Hội thi tay nghề các cấp hàng năm là một sân chơi bổ ích cho học sinh, sinh viên các trường Cao đẳng, Trung cấp nghề, giúp họ có cơ hội học hỏi kinh nghiệm nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề.

Sinh viên Nguyễn Văn Sang, trường Cao đẳng nghề Kinh tế-Kỹ thuật Bắc Ninh, thí sinh trong Hội thi tay nghề cấp tỉnh 2014 cho biết: “Em mang đến Hội thi nghề Điện công nghiệp, là một nghề rất thiết thực trong cuộc sống hiện nay. Em cũng học được ở các bạn thí sinh khác nhiều cách tư duy và kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn để từng bước hoàn thiện bản thân hơn”.

Hội thi tay nghề cấp tỉnh 2014 đã lựa chọn được nhiều thí sinh đạt giải cao tham gia Hội thi cấp Quốc gia ở các ngành nghề như xây gạch, Lắp đặt điện, Điện lạnh, Điện tử, Thiết kế kỹ thuật cơ khí, Hàn... song điều quan trọng là qua đó, các trường nghề sẽ có hướng đào tạo nghề hợp lý dựa trên các ngành, nghề mà thí sinh mang đến Hội thi đạt giải cao để đáp ứng được thực tiễn công việc khi học sinh ra trường.

Ông Nguyễn Mậu Nghìn, Trưởng phòng quản lý Dạy nghề, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội nhận định: “Hội thi tay nghề cấp tỉnh năm nay có số lượng học sinh tham gia tăng cũng như chất lượng nghề chứng tỏ Hội thi đã có sức lôi cuốn và trở thành sân chơi chuyên nghiệp cho các cơ sở dạy nghề muốn xây dựng và khẳng định thương hiệu của đơn vị mình. Trong các kỳ thi tiếp theo, để thu hút được số lao động trẻ trong các doanh nghiệp tham gia cần phải tăng cường công tác tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng để quảng bá cho cuộc thi, đồng thời đề nghị với các cấp có thẩm quyền tăng kinh phí dành cho Hội thi, có chế độ vinh danh khen thưởng xứng đáng nhằm động viên khuyến khích lao động trẻ có tay nghề.

Hiện nay các cơ sở đào tạo nghề Bắc Ninh mới chỉ tập trung đào tạo đại trà, ngắn hạn chưa đủ điều kiện đào tạo lực lượng lao động có chuyên môn kỹ thuật cao. Đội ngũ công nhân kỹ thuật được đào tạo còn thiếu ở nhiều nhóm như công nghệ sinh học, cơ khí, đặc biệt là thiếu kỹ sư, kỹ thuật viên. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo lao động còn nhiều bất cập với yêu cầu của thị trường lao động dẫn đến thiếu nhiều lao động có chuyên môn, thừa lao động chưa qua đào tạo.

Trong Đề án đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cũng đã tập trung một số giải pháp trọng tâm như đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục và dạy nghề; chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong đầu tư trang thiết bị phục vụ dạy nghề và thực hành, có trách nhiệm giới thiệu việc làm cho học sinh sau đào tạo; tập trung đánh giá, rà soát mạng lưới cơ sở dạy nghề; xã hội hóa công tác dạy nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, bổ sung và điều chỉnh chương trình, giáo trình các nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp; xây dựng và phát triển mạng lưới thông tin thị trường lao động, tìm kiếm, giới thiệu việc làm; khảo sát các khu công nghiệp để xây dựng dự án đào tạo nghề cho các ngành nghề chuyên biệt nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp; nhân rộng các nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp để đáp ứng đủ số lượng và chất lượng lao động... nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động qua đào tạo, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Lan-Hường
Top