khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 18/04/2014 - 10:19

Mấy vấn đề rút ra trong công tác tuyên truyền thúc đẩy hoạt động du lịch ở Bắc Ninh

Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế-xã hội phổ biến, khi đời sống người dân dần được cải thiện, nhu cầu đi du lịch cũng tăng lên, là tiêu chuẩn để đánh giá mức sống và chất lượng cuộc sống của các tầng lớp dân cư trong xã hội.

Việt Nam là một nước có điều kiện địa lý tự nhiên và tiềm năng du lịch đa dạng, phong phú, hấp dẫn cả về vẻ đẹp sinh thái tự nhiên, nền văn hoá đa dạng và truyền thống lịch sử, di sản văn hoá. Đó là các yếu tố thuận lợi cho Việt Nam phát triền du lịch và ngành kinh tế du lịch-một ngành kinh doanh dịch vụ, được coi như một ngành công nghiệp không khói đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta.

Mỗi vùng quê đều có tiềm năng du lịch riêng. Việc khai thác tiềm năng du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có vai trò đóng góp to lớn của báo chí.

Bắc Ninh là miền đất cổ thuộc trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng. Các kết quả nghiên cứu khảo cổ học cho thấy vùng đất Bắc Ninh từ mấy nghìn năm trước là địa bàn cư trú của người Việt cổ. Bề dày lịch sử, văn hóa đã tạo cho Bắc Ninh tiềm năng to lớn phát triển du lịch, nhất là du lịch văn hóa, tâm linh, đây chính là thế mạnh nổi bật của du lịch Bắc Ninh.
 
Rước kiệu tại lễ hội Kinh Dương Vương năm 2014.

Đặc biệt dân ca Quan họ-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là nguồn tài nguyên có giá trị nhất về mặt văn hóa, lịch sử và trở thành tài nguyên quý cho phát triển du lịch của tỉnh. Tính đến nay, ngoài 44 làng Quan họ gốc, Bắc Ninh còn có 329 làng Quan họ thực hành cùng với hàng nghìn làn điệu Dân ca Quan họ vẫn đang được các nghệ nhân lưu giữ, trao truyền.

Bắc Ninh có hệ thống di tích lịch sử văn hóa dày đặc (với 1.259 di tích), phân bố ở khắp các địa phương trong tỉnh. Bắc Ninh cũng được biết đến là một xứ sở của lễ hội truyền thống với gần 600 lễ hội được duy trì tổ chức hàng năm, trong đó có 10 lễ hội mang ý nghĩa đặc biệt với tầm ảnh hưởng lớn như: hội Lim, hội chùa Phật Tích, hội đền Bà Chúa Kho, lễ hội Kinh Dương Vương, hội chùa Dâu, hội làng Diềm, lễ hội Cao Lỗ Vương, hội Đền Đô, Lễ hội chùa Bút Tháp…

Bắc Ninh còn là nơi có nhiều làng nghề thủ công nổi tiếng có từ lâu đời với khoảng 60 làng nghề truyền thống như: nghề làm tranh, làm giấy dó, nghề rèn, đúc đồng, khảm trai, chạm khắc, dệt, sơn mài, gỗ mỹ nghệ… cũng tạo nên thế mạnh du lịch của Bắc Ninh.

Với vai trò là trung tâm bổ trợ quan trọng trong vùng du lịch đồng bằng sông Hồng, có mối liên hệ chặt chẽ với thủ đô Hà Nội. Bắc Ninh xác định rõ tầm quan trọng của việc liên kết giữa du lịch của tỉnh với du lịch các địa phương trong vùng, nhất là với du lịch Hà Nội-trung tâm phân phối khách lớn nhất khu vực miền Bắc hiện nay.

Bắc Ninh cũng là một cầu nối quan trọng không thể thiếu trong suốt hành trình của dòng khách du lịch từ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng tới vùng duyên hải Đông Bắc, với vùng trung du miền núi phía Bắc và ngược lại.

Có thể thấy, sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch cùng lợi thế địa lý là cơ sở để Bắc Ninh phát triển du lịch đặc thù. Đây cũng là những điều kiện thuận lợi để du lịch Bắc Ninh có được sức hấp dẫn riêng, là yếu tố quan trọng đối với phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Thế mạnh thì đã rõ nhưng làm thế nào để phát triển được du lịch mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và xã hội. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong đó có vai trò quan trọng của báo chí và các nhà báo chuyên viết về du lịch.

Đối với Báo Bắc Ninh luôn coi trọng công tác tuyên truyền về du lịch, xác định là một nghành kinh tế trọng điểm trong thời kỳ hội nhập và phát triển. Vì vậy tờ báo đặc biệt bám sát định hướng, chương trình của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, trọng tâm là du lịch văn hóa giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030.

- Báo Bắc Ninh đã chọn lựa, bồi dưỡng đội ngũ phóng viên có khả năng viết về lĩnh vực du lịch; gợi mở đề tài theo từng thời gian phù hợp với từng lễ hội và truyền thống lịch sử, văn hóa của các di tích để tuyên truyền, quảng bá.

- Mở chuyên trang, chuyên mục theo định kỳ hàng tuần, hàng tháng trên báo Bắc Ninh thường kỳ, Báo Bắc Ninh hằng tháng và Bắc Ninh điện tử để tuyên truyền, giới thiệu những nét đẹp và các giá trị lịch sử, văn hóa đặc trưng tiêu biểu của quê hương Bắc Ninh như: Dân ca Quan họ, các làng nghề, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, những món ăn ngon... để du khách có thêm thông tin trước, trong và sau khi đến trải nghiệm thực tế tại Bắc Ninh.

- Có chế độ khuyến khích các chuyên gia trong ngành viết bài phân tích, dự báo xu hướng và tình hình phát triển du lịch trên địa bàn như khuyến khích nhuận bút đối với tác phẩm viết về du lịch; ưu tiên các tác phẩm nghiên cứu sâu về du lịch để đăng tải kịp thời.

Chính vì vậy, năm 2013, hưởng ứng cuộc thi viết về Năm Du lịch Quốc gia đồng bằng sông Hồng-Hải Phòng, Báo Bắc Ninh đã có 2 tác phẩm đoạt giải.

Song trên thực tế: Phát triển du lịch của Bắc Ninh nhất là phát triển kinh tế du lịch là ngành kinh tế thực thụ, mũi nhọn vẫn là một vấn đề nan giải, thực chất là chưa mạnh. Vai trò của ngành du lịch đến người làm công tác du lịch còn rất hạn chế, manh mún, chưa được đầu tư. Trong đó cũng phải kể đến những hạn chế trong công tác tuyên truyền như:

- Một số phóng viên chưa coi trọng mảng viết về du lịch.

- Phóng viên hiểu về du lịch và kinh tế du lịch chưa sâu, do vậy bài viết còn nhạt.

- Chưa đi sâu tìm tòi, nghiên cứu tiềm năng du lịch trên địa bàn để tuyên truyền.

- Chưa gắn được tuyên truyền về bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa với phát triển du lịch, nhất là du lịch tâm linh.

* Để làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phát triển du lịch, xin được rút ra mấy vấn đề sau:

Đối với nhà báo

 - Nhà báo phải am hiểu về du lịch; có phông văn hóa, lịch sử sâu, rộng; hiểu biết về kinh tế và vai trò, ảnh hưởng của du lịch trong phát triển kinh tế-xã hội hiện nay.

- Nhà báo phải sâu sát, hiểu rõ các hạn chế về hoạt động du lịch, dịch vụ cần được khắc phục sớm như: công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch; sản phẩm du lịch; hoạt động maketting, xúc tiến quảng bá du lịch; nhận thức của xã hội về du lịch…

- Nhà báo phải tìm tòi, nghiên cứu chuyên sâu về tiềm năng du lịch; hiểu rõ các điểm di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh của địa phương để có khả năng giới thiệu, quảng bá về những điểm, tour, tuyến du lịch. Có phong cách riêng khi viết bài về du lịch.

- Nhà báo phải được tham gia nhiều tour du lịch kể cả trong và ngoài nước; được trao đổi, mạn đàm với các chuyên gia làm du lịch nhằm bồi dưỡng thêm hiểu biết, kiến thức, chủ trương…để tác phẩm sâu sắc, phong phú hơn. 

- Nhà báo cần nhạy cảm, phát hiện và phản ánh kịp thời trên báo nạn “du lịch đen” là cách gọi về những hình thức làm du lịch mang tính chất chộp giật hoặc thiếu kinh nghiệm, dẫn đến thiệt hại về vật chất và tinh thần đối với du khách, đồng thời làm ảnh hưởng uy tín của chính quyền địa phương.

Đối với các cơ quan báo chí địa phương:

- Trước hết phải có đầu tư tích cực cho chuyên mục về du lịch như lựa chọn phóng viên, đầu tư trang thiết bị hiện đại (ví dụ như máy ảnh, ghi âm…) để nâng cao chất lượng tác phẩm.

- Phải xác định rõ tuyên truyền về du lịch và kinh tế du lịch là một nhiệm vụ quan trọng của tờ báo, dành nhiều diện tích, tác phẩm cho chuyên mục này.

- Tổ chức nhiều cuộc thăm quan, du lịch cho phóng viên, trao đổi nghiệp vụ; tổ chức các cuộc thi viết về du lịch trong tòa soạn và liên kết trong khu vực làm cho tờ báo thêm sinh động và quảng bá du lịch.

Có thể khẳng định, hoạt động du lịch là hoạt động không có ranh giới hành chính vì vậy sự liên kết giữa các địa phương, nhất là các vùng phụ cận có ý nghĩa rất quan trọng trong phát triển du lịch. Sự liên kết sẽ cho phép khai thác hiệu quả những tiềm năng du lịch trên những lãnh thổ hành chính khác nhau, phát triển những sản phẩm du lịch có khả năng bổ sung cho nhau, tạo nên các tour du lịch liên vùng hấp dẫn, xây dựng hình ảnh du lịch chung cho một khu vực. Đây chính là nhiệm vụ, vai trò quan trọng của báo chí trong tuyên truyền, quảng bá, phát triển du lịch hiện nay.

TS. Nguyễn Bá Sinh
Top