khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 18/04/2014 - 10:23

Thơ từ đôi chân

Đọc Ca dao đồng mẹ- Trần Đức Đủ)

Làm sao không tâm đắc trước lời tự khai chân thành gan ruột của nhà thơ Trần Đức Đủ:

Thơ bạn có cánh bay.

Thơ ta từ đôi chân.

Để có được hai câu thơ rạch ròi này, không dễ dàng gì đâu. Đây là ý niệm trừu tượng đã được cô đúc cụ thể thành hình ảnh sinh động, đọc một lần ai cũng hiểu. Nhưng ngẫm ngợi cho đủ, xem ra đâu có đơn giản.

Bảo hai câu thơ này là sự khiêm tốn nhún mình cũng đúng. Bảo là bộc lộ mặc cảm tự ti sẽ sai hoàn toàn. Chính xác phải nói đây là hai câu thơ có phẩm chất dũng khí của một người biết mình, nhìn được mình và dám nói về mình.

Bàn về thơ, nhiều khi còn hệ trọng hơn cả sinh mệnh con người nữa. Văn mình, vợ người mà dám thẳng thắn ca ngợi thơ bạn. Vâng, thơ bạn có cánh, xin chúc bạn bay lên chiếm lĩnh những khoảng trời xa rộng. Còn chúng em không được may mắn như các liền anh, liền chị, chúng em lại có cách của chúng em, bằng sức của đôi chân trần xục bùn đất, chúng em chỉ đếm từng bước trên đồng mẹ. Chậm chạp nhưng được cái lợi là chắc chắn vững vàng vô cùng…

Đường thơ của Trần Đức Đủ đúng là con đường kiên nhẫn mà thành. Năm nào cũng có mặt thơ ở khắp các địa phương và mặt báo Trung ương. Từng bài lẻ gọi là đứng được. Sao cuối năm nhìn lại phải giật mình trước sự rỗng rễnh không ngờ, bởi sự vừa thiếu, vừa thừa thế nào đó, nên muốn tập hợp được một tập thơ, phải sàng lọc công phu lắm.

Đường thơ của Trần Đức Đủ đúng là con đường tự vạch, tự cày trên đất đồng mẹ.

Sau tập thơ xinh xinh đầu tay Mẹ ngồi têm nắng in năm 2009, đến nay Ca dao đồng mẹ đã là tập thơ thứ tư của Trần Đức Đủ. Mỗi tập thơ đích thực là một cuộc dấn thân, mỗi bước gạt bỏ cái dư thừa chung chung khuôn sáo. Mỗi bước gom nhặt thêm, thẩm thấu thêm bao vị đậm đà thật hạt của đời sống tươi lành, ngồn ngộn mỡ màu… Chính cách tiệm tiến dần dà này Trần Đức Đủ đã đạt được kết quả rõ rệt, mang lại chất lượng đáng ghi nhận cho tập Ca dao đồng mẹ.

Hình tượng người mẹ quê mùa, lam lũ, ít nhời, ít tiếng chăm chỉ gắn bó với mưa nắng thiên nhiên ruộng đồng… gần như xuyên suốt tập thơ, tạo nên sự đồng cảm tin cậy cho người đọc. Nhiều hình ảnh về mẹ xiết bao thân thuộc mà cũng xiết bao ngỡ ngàng khi được nhà thơ nâng lên, lạ hóa như ở bài Nhớ mẹ:

Mẹ tôi lội gió gánh mưa

Đưa con chuồn ớt qua mùa bão dông

Bài thơ Ca dao đồng mẹ, Trần Đức Đủ khéo quan sát để tìm ra cái nét nhòe khá độc đáo, làm nổi bật hình tượng người mẹ cần mẫn tảo tần:

Cánh đồng nhòe nắng, nhòe sương

Mẹ tôi đi cấy con đường nhòe xanh

Cũng đành- vơi cạn- cũng đành

Mồ hôi thành quả mẹ dành nuôi con.

Nhà thơ đã có lần khám phá ra hình ảnh những hạt thóc là hình ảnh tương ứng với giọt mồ hôi của mẹ nên câu thơ Mồ hôi thành quả cũng là cách nói tự nhiên: Mồ hôi thành quả mẹ dành nuôi con. Cái quả, cái hạt thóc mẹ dành cho con đã là nặng ơn nghĩa lắm, chả làm sao tính đếm xuể. Nhưng đó mới chỉ là vật chất cụ thể, mẹ còn dành cho con nhiều hơn về phía tinh thần. Trần Đức Đủ đã một lần nói cho mình và cho bất cứ ai ai là con của một người mẹ, về phía công đức vô biên ấy. Trong bài thơ Những câu thơ tự lòng có hai câu thật thấm thía.

Mồ hôi mẹ tôi rơi

Cho tôi biết hát lời quê hương

Mồ hôi bao giờ rơi thành tiếng, nhưng chính những giọt mồ hôi lặng thầm của mẹ, đã làm nguồn, làm đà cho con cất tiếng hát với cuộc đời. Con hát lời quê hương vì chính mẹ là quê hương. Và quê hương cũng là mẹ.

Bài Mùa xuân đến chậm không viết riêng về mẹ, Trần Đức Đủ vẫn có câu thơ đáng làm ta giật mình:

Về bên mẹ

Con không còn viển vông

Ca dao đồng mẹ còn nhiều mảng thơ về mùa xuân, về tình yêu, tình đôi lứa, về phong cảnh quê… Nhưng người viết bài này xin dừng ở hai câu thơ về mẹ đáng để chúng ta suy nghĩ trên. Hình như có hơi nước mắt dân dấn trong từng câu chữ bình dị này: Về bên mẹ/Con không còn viển vông.

Anh Vũ (gt)
Top