khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 18/04/2014 - 10:27

Chung tay trợ giúp người khuyết tật

Người khuyết tật là một bộ phận đặc biệt của xã hội, họ có những khiếm khuyết về thể chất hoặc tinh thần, vì thế khả năng lao động, học tập, sinh hoạt bị hạn chế. Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, cả nước hiện có khoảng 6-7 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7,5% dân số). Trong đó 87% người khuyết tật sống ở nông thôn vẫn gặp nhiều khó khăn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội.

Tại Bắc Ninh, số liệu điều tra năm 2009, toàn tỉnh có hơn 20 nghìn người khuyết tật. Những năm qua, hoạt động chăm sóc, trợ giúp và bảo vệ quyền lợi người khuyết tật trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, xã hội quan tâm, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu cơ bản của người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người thuộc diện nghèo, đặc biệt là những người có công với cách mạng, đất nước. Tỉnh luôn thực hiện nghiêm túc chế độ đối với các đối tượng được hưởng các chính sách thương binh, trợ cấp xã hội tại cộng đồng, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội; họ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng, được trợ giúp pháp lý; nhiều người khuyết tật được tặng nhà tình thương, phương tiện đi lại, công cụ lao động, được giúp đỡ tìm kiếm việc làm, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh… xây dựng cuộc sống ổn định.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số người khuyết tật gặp khó khăn trong cuộc sống. Họ không được học hành, không có nghề nghiệp, không có việc làm và không có nguồn thu nhập. Trong số họ có người không nhà cửa, chỗ ở phải lang thang nơi bến xe, góc chợ xin ăn kiếm sống. Những khó khăn mà người khuyết tật thường gặp là do điều kiện lao động, cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, sức khỏe yếu, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tuyển và sử dụng người khuyết tật vào làm việc còn hạn chế. Một số người khuyết tật chưa nhận được sự quan tâm của gia đình hoặc thiếu nỗ lực vươn lên, không dám vượt qua mặc cảm để hòa nhập cộng đồng, xã hội…

Ngày Người khuyết tật (18-4) hàng năm là dịp để các ngành, các cấp, các đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp các tổ chức và cá nhân thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm chăm sóc, trợ giúp và tạo điều kiện cho người khuyết tật vượt qua mặc cảm. Đây là hoạt động có ý nghĩa về kinh tế, chính trị, xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Nhằm đưa các hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật trở thành việc làm thường xuyên, liên tục trước hết cần đổi mới phương pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng. Các cơ quan báo chí phối hợp với ngành chức năng tăng cường phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan như Luật Người khuyết tật và các văn bản hướng dẫn thi hành; tăng cường triển khai các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật thông qua các trung tâm trợ giúp pháp lý của tỉnh và câu lạc bộ trợ giúp pháp lý ở cơ sở; Hội bảo trợ Người tàn tật và trẻ em mồ côi, Hội chữ thập đỏ, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin… cần phối hợp chặt chẽ, quan tâm hơn đến việc hướng nghiệp, dạy nghề, hỗ trợ người khuyết tật. Bên cạnh việc chi trả chế độ kịp thời, đúng đối tượng, đúng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, thì việc giải quyết vốn vay, hỗ trợ việc làm, đào tạo nghề cho người khuyết tật cần được quan tâm hơn. Song song với công tác từ thiện cần xây dựng nhiều mô hình hoạt động hướng đến việc hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật như vận động các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất kinh doanh tạo điều kiện giúp đỡ để người khuyết tật có thể vào làm việc, giúp họ tự tin xây dựng cuộc sống cho chính mình.

Chúng ta ghi nhận và tri ân các tổ chức kinh tế, xã hội, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, các tổ chức Quốc tế đã có những đóng góp giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi. Những việc làm ấy sẽ tiếp thêm nghị lực và khát vọng sống giúp người khuyết tật vươn lên.

Vũ Thắng
Top