khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 21/04/2014 - 08:47

Thị xã Từ Sơn công nghiệp - TTCN có dấu hiệu phục hồi và phát triển

Sau một thời gian dài trầm lắng thì những tháng đầu năm 2014 hoạt động sản xuất công nghiệp - TTCN của thị xã Từ Sơn đã có dấu hiệu phục hồi và phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, cán bộ chuyên trách lĩnh vực công nghiệp - TTCN (Phòng Kinh tế thị xã Từ Sơn) cho biết: Quý I năm nay, tuy điều kiện thị trường vẫn có nhiều biến động phức tạp ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), làng nghề... Song nhờ những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng như những nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp ủy, chính quyền và DN,  đặc biệt là sự phục hồi của thị trường Trung Quốc - nơi tiêu thụ chính sản phẩm của các làng nghề gỗ mỹ nghệ… nên hoạt động sản xuất công nghiệp - TTCN đã có những tín hiệu tích cực.
 

Sản phẩm làng nghề Đồng Kỵ thu hút đông khách tham quan, mua sắm tạo điều kiện cho làng nghề phát triển.

 

Thị xã có khoảng 1.200 DN và gần 10.000 hộ cá thể đăng ký sản xuất kinh doanh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN quý I ước đạt 1.364,6 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ năm 2013. Trong đó, các loại hình kinh tế đều tăng như: Khối hợp tác xã tăng 3,2%; hộ cá thể tăng 4,7%; DN tư nhân tăng 5,3%; công ty TNHH tăng 5,9%. Giá trị sản xuất một số ngành chính tăng so cùng kỳ năm 2013 như: Sắt thép đạt gần 642 tỷ đồng, tăng 4,6%; đồ gỗ đạt hơn 353 tỷ đồng, tăng 5,2%. Nguyên nhân tăng chủ yếu do một số DN vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, một số DN tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ và làm tốt công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu… Riêng với các DN và cơ sở sản xuất ở những làng nghề truyền thống, sau một thời gian dài sản xuất cầm chừng, thậm chí nhiều đơn vị phải dừng sản xuất do thị trường đầu ra bị thu hẹp, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, gần đây đã phục hồi và phát triển khá mạnh, trong đó phải kể đến các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ ở nghệ Đồng Kỵ, Phù Khê, Hương Mạc.

Ông Vũ Quốc Vượng, Chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết: “Hai năm liên tiếp làng nghề Đồng Kỵ phải chống chọi với nhiều khó khăn thách thức bởi những biến động của thị trường. Không ít DN và hộ sản xuất của làng nghề rơi vào tình trạng “điêu đứng”. Nhưng từ cuối năm 2013 đến nay, những khó khăn đó đang dần qua đi và làng nghề có nhiều tín hiệu khởi sắc. Chớp thời cơ, nhiều cơ sở đã tập trung nhân lực tăng tốc sản xuất. Nhờ đó, doanh thu từ sản xuất kinh doanh của làng nghề tăng trưởng đáng kể. Năm 2013 ước đạt 1.030,7 tỷ đồng, tăng 12,4% so năm 2012;  3 tháng đầu năm nay ước đạt 174,3 tỷ đồng, tăng 5,1% so cùng kỳ.”

Như vậy, quý I với sự phục hồi, phát triển của DN, làng nghề, cơ sở sản xuất đã mở đầu đầy thuận lợi cho năm 2014 nói riêng và những năm cuối thực hiện kế hoạch 5 năm (2011-2015) nói chung. Nhìn chung hoạt động sản xuất công nghiệp – TTCN của thị xã Từ Sơn hiện vẫn còn bộc lộ một số hạn chế như quy mô sản xuất của hầu hết các DN, cơ sở sản xuất còn nhỏ, lẻ, giá trị thấp; sản phẩm đơn điệu, năng suất, chất lượng thấp, sức cạnh tranh của sản phẩm chưa cao; một số DN vẫn còn hoạt động cầm chừng, chưa có chiến lược hoạt động lâu dài, ít quan tâm đến xây dựng, củng cố thương hiệu và uy tín của DN; hoạt động xúc tiến, tìm kiếm thị trường chưa được quan tâm đúng mức; trang thiết bị, công nghệ sản xuất còn lạc hậu…

Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2014, giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN của thị xã đạt 6.824 tỷ đồng, tăng 13% so năm 2013 và đòi hỏi sự lãnh đạo, điều hành kiên quyết, kịp thời, tập trung thống nhất cao của các cấp uỷ, chính quyền, sự năng động của mỗi DN. Nhất là đối với những DN và hộ sản xuất ở các làng nghề thì bên cạnh sự quan tâm tạo điều kiện của Nhà nước, cần sự tích cực, chủ động trong việc mạnh dạn đổi mới thiết bị công nghệ, kết hợp yếu tố cổ truyền với hiện đại từng bước nâng cao chất lượng, mẫu mã, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Ngoài ra, cần coi trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề và ý thức cho người lao động; xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu DN, thương hiệu làng nghề; duy trì, mở rộng thị trường truyền thống và chủ động tìm kiếm thị trường mới…

Thanh Ngân
Top