khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 21/04/2014 - 08:55

Thức ăn đường phố: Vừa ăn vừa lo!

Kinh doanh thức ăn đường phố có lợi ích nổi trội là thuận tiện cho người tiêu dùng và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Thức ăn đường phố đã trở thành văn hóa ẩm thực đặc trưng của nhiều vùng miền.

Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh dẫn đến ngộ độc thực phẩm như: không bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, nguồn nguyên liệu không được lựa chọn kỹ, địa điểm bán hàng gần khu công cộng (đường phố, bến tàu xe, cổng bệnh viện, chợ…) dễ ô nhiễm. Điều đáng nói là, rất khó để kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của thức ăn đường phố. Thực tế này đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp, các ngành và chính mỗi người dân.  

Những ngày đi làm, do không có nhiều thời gian để nấu ăn sáng tại nhà, các thành viên trong gia đình chị Hằng ở phường Đại Phúc (thành phố Bắc Ninh) thường thưởng thức bữa sáng trên đường phố. Trên đường đến cơ quan, chị đưa con đi học và hai mẹ con thường rẽ đâu đó lót dạ, hôm thì cái bánh mỳ kẹp thịt, hôm thì bún, phở, cháo… Cũng có lúc chột dạ vì thấy chưa bảo đảm vệ sinh, nhưng vì tiện và phong phú nhiều loại đồ ăn sáng nên chị đành cho qua.
 

Khu vực ăn uống liền ngay chỗ dọn rửa là hình ảnh phổ biến của các điểm kinh doanh thức ăn đường phố.

Ở thành phố Bắc Ninh, không khó để tìm một hàng ăn bên lề đường, đặc biệt là ở những khu vực đông đúc dân cư và gần công sở. So với những thành phố lớn, ở đây người ta ít bắt gặp những gánh hàng rong, song ở nhiều hàng quán nhỏ, công tác bảo đảm mỹ quan và vệ sinh thực phẩm chưa được nhận thức và thực hành đúng. Quán bún chả ngon nổi tiếng trên đường Ngô Gia Tự (phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh) buổi trưa rất đông khách đến ăn. Chỉ với diện tích khoảng hơn chục mét vuông trong nhà và vài chiếc bàn nhựa bên ngoài là nơi thực khách có thể thỏa mãn bữa trưa với mức giá bình quân 30 nghìn đồng/ suất. Chủ quán trang bị đầy đủ găng tay cho người phụ việc nhưng không phải ai cũng thực hành đúng vệ sinh. Có người tay vừa nhặt thịt (đã ướp gia vị và nướng tái) xếp vào vỉ để nướng, khi có khách gọi thì cũng tay đó bốc luôn thịt chín vào bát để phục vụ khách. Chỉ đến khi khách hỏi: sao chị không đeo găng tay vào mới vội vàng thực hiện và cười xuê xoa “thịt đấy cũng chín rồi mà!”.

Đối với người tiêu dùng, thức ăn đường phố có ưu điểm là đa dạng về chủng loại, số lượng, trong khi đó với chủ cơ sở thì chỉ với nguồn vốn đầu tư nhỏ, trang thiết bị cần thiết không cần quá đầy đủ, vừa có thu nhập đáng kể, lại tạo ra nguồn thực phẩm phong phú cho các đối tượng lao động. Tuy nhiên, người bán hàng đa phần hạn chế kiến thức cơ bản về vệ sinh an toàn thực phẩm, điều kiện kinh doanh hạn hẹp nên có thể sử dụng thức ăn dễ biến chất, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Việc sản xuất và bày bán thực phẩm thiếu hạ tầng cơ sở và vệ sinh môi trường về nguồn cung cấp nước sạch, xử lý rác thải, chất thải, các công trình vệ sinh liên quan... là nguyên nhân dẫn đến các vụ ngộ độc do ăn từ thức ăn đường phố nhiễm vi sinh. Đây không chỉ là nguy cơ mà đã thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, do mức độ ngộ độc thường ít nghiêm trọng, chủ yếu là rối loạn tiêu hóa và hầu hết đều là những ca nhỏ lẻ, khiến người dân chưa thấy sự nguy hiểm do thức ăn đường phố mất vệ sinh mang lại cho sức khỏe. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh thực phẩm đường phố cũng khó kiểm soát do sự đa dạng, cơ động và tạm thời, không thường xuyên đã dẫn đến mối nguy cơ cho sức khoẻ cộng đồng.

Để phát huy những tiện ích của thức ăn đường phố mang lại và hạn chế thấp nhất tình trạng mất vệ sinh, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm do thức ăn đường phố, đảm bảo an sinh xã hội và mĩ quan đô thị, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, giáo dục cho nhân dân về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là tuyên truyền cho những người cung cấp thức ăn đường phố những kiến thức về chế biến, lưu giữ và phân phối thức ăn đường phố đảm bảo vệ sinh. Trên hết, các tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm phải đặt yếu tố cộng đồng và xã hội lên trên. Người tiêu dùng phải tự biết lựa chọn thức ăn phù hợp, bảo đảm các yếu tố về vệ sinh… Song song với đó, cơ quan thường trực và các ngành hữu quan cần có những biện pháp đủ mạnh trong việc kiểm tra, thanh tra các cơ sở kinh doanh mặt hàng này, nhằm đủ sức răn đe những người không đủ hoặc không thực hiện đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bài, ảnh: Việt Hoa
Top