khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 23/04/2014 - 10:18

Bệnh Sởi vẫn có chiều hướng gia tăng

Thời gian qua, diễn biến phức tạp của bệnh Sởi với số lượng lớn trẻ tử vong khiến cho hầu hết các bậc phụ huynh đều hết sức lo lắng. Theo thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đến chiều tối ngày 19-4, đã có tổng số 119 ca tử vong do bệnh sởi, trong đó 111 trường hợp ở Bệnh viện Nhi T.Ư.

Chủ động tránh xa nơi tập trung đông người nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo bệnh cho trẻ.

Tại Bắc Ninh, tính từ đầu năm đến ngày 17-4, số ca phát ban nghi sởi/ rubella ghi nhận được là 402 ca. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu các ca mắc là sốt, phát ban, ho, chảy nước mắt, nước mũi, viêm kết mạc, tiêu chảy. Trong số 156 mẫu được lấy xét nghiệm thì 41/72 mẫu có kết quả dương tính với virus sởi, 4/40 mẫu nghi ngờ sởi, các trường hợp còn lại đang chờ kết quả xét nghiệm. Đã có 1 ca tử vong sau điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư do viêm phổi/thoát vị cơ hoành có xét nghiệm dương tính với sởi là trẻ 11 tháng tuổi tại Châu Khê (thị xã Từ Sơn). Trẻ này chưa tiêm vắc xin phòng bệnh sởi.

Từ ca mắc đầu tiên phát hiện ngày 13-2, đến nay đã có 107/126 xã, phường, thị trấn tại 8/8 huyện, thị xã, thành phố xuất hiện ca nghi sởi/ rubella, trong đó mắc cao nhất là thành phố Bắc Ninh với hơn 100 ca, thấp nhất là huyện Gia Bình. Số mắc tập trung lứa tuổi dưới 9 tháng (tức là chưa đến lịch tiêm phòng sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng) chiếm gần 40%, từ 9 tháng đến 2 tuổi chiếm gần 14%, 20 tuổi trở lên (đối tượng tiêm 1 mũi hoặc tiền sử tiêm chủng không rõ ràng) chiếm gần 25%. Theo kết quả điều tra, giám sát của các cơ quan chuyên môn, các trường hợp mắc xác định đều chưa được tiêm phòng bệnh sởi do trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm phòng sởi, trẻ 9 tháng - 2 tuổi chưa tiêm phòng sởi đủ mũi (do hoãn tiêm vì chống chỉ định tạm thời, di dân cơ học, không tiêm chủng…), trên 20 tuổi do tiền sử tiêm chủng không rõ ràng, tập trung ở lao động nhập cư các khu công nghiệp.

 

Khi thấy trẻ có các biểu hiện của bệnh sởi, bệnh về hô hấp, các bậc phụ huynh không nhất thiết phải đưa ngay đến các bệnh viện T.Ư mà hãy đưa các cháu đến cơ sở y tế ở tuyến dưới để được chẩn đoán, sàng lọc và hướng dẫn chăm sóc, nhằm phòng ngừa lây nhiễm chéo.

 

So với cùng kỳ năm 2013 (chỉ có 5 ca), số ca nghi sởi/ rubella tăng hơn 55 lần với 41 ca ghi nhận dương tính (trong khi giai đoạn trước đó 2003-2013 chưa ghi nhận ca sởi xét nghiệm dương tính nào). Ngoài nguyên nhân mắc sởi, một số trường hợp mắc rubella, hiện là bệnh lưu hành địa phương có biểu hiện giống sởi, vắc xin phòng chống bệnh rubella chưa được đưa vào tiêm chủng mở rộng.

Thực hiện kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét sởi của Bộ Y tế, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng đã xây dựng và triển khai kế hoạch phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi cho trẻ từ 9 tháng tới 24 tháng trên địa bàn tỉnh và hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch trong tháng 3-2014. Qua triển khai chiến dịch, tổng số trẻ được tiêm là 6.853, đạt 98,4%. Đơn vị cũng triển khai, hướng dẫn công tác phòng chống dịch sởi tại các địa bàn trong tỉnh, nơi có ổ dịch và tại các khu công nghiệp.

 

Đến nay, đã ghi nhận 5 địa phương có từ 3 ca mắc trở lên, trong đó 2 ca dương tính trong vòng 21 ngày là thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, các huyện: Gia Bình, Yên Phong, Lương Tài, trong đó có ổ dịch tại Nhà máy Nokia (KCN VSIP) với 6/7 trường hợp sốt phát ban có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi.

 

Nhận định, trong thời gian tới, bệnh sởi vẫn có chiều hướng gia tăng, do chỉ số lây của bệnh sởi cao, các đối tượng nguy cơ là những người chưa có miễn dịch đối với sởi, bởi vậy, ngành Y tế nỗ lực thực hiện các biện pháp tiếp theo: Tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tại các ổ dịch, duy trì giám sát các trường hợp sốt phát ban nghi sởi/ rubella theo quy định. Củng cố trình độ chuyên môn của cán bộ y tế phòng chống dịch tuyến huyện, xã trong việc giám sát và lấy mẫu đúng quy định. Duy trì công tác tiêm chủng mở rộng đạt tỷ lệ cao, khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm phòng sởi đúng và đầy đủ mũi.

Tại các KCN, thực hiện khử trùng tẩy uế khu vực làm việc có bệnh nhân, theo dõi sức khỏe công nhân, khi nghi ngờ mắc sởi cần đến ngay các cơ sở y tế khám và điều trị. Người dân khi mắc bệnh cần điều trị cách ly 7 ngày kể từ khi phát ban theo quy định. Khuyến cáo của cơ quan y tế là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi đối với các trường hợp chưa mắc sởi mà chưa tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh sởi; tiêm phòng vắc xin sởi/rubella đối với các đối tượng nguy cơ không trong diện được tiêm chủng mở rộng. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thực hành rửa tay bằng xà phòng thường xuyên. Đối với các bà mẹ trước khi mang thai nên tiêm phòng tam liên sởi/ quai bị/ rubella.

Bài, ảnh: Việt Hoa
Top