khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 24/04/2014 - 08:36

Bảo hộ thương hiệu làng nghề giữ tên trước khi bị mất

Với 62 làng nghề phân bố trên 37 trong tổng số 126 xã, phường, thị trấn, Bắc Ninh là địa phương có tổng số làng nghề đứng thứ 2 toàn quốc. Mật độ làng nghề dày đặc, sản phẩm làng nghề đa dạng phong phú với tiềm năng xuất khẩu lớn đã và đang đặt ra yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho các sản phẩm làng nghề khi vươn ra những thị trường rộng lớn.

Nhãn hiệu sản phẩm làng nghề đang bị thờ ơ

Theo thông tin từ Sở Khoa học và Công nghệ, toàn tỉnh mới có vỏn vẹn 2 làng nghề đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ và Gốm Phù Lãng. Con số quá ít ỏi này cho thấy vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các làng nghề hiện nay chưa được nhận thức đúng đắn, thậm chí đến mức thờ ơ.

Phân tích về nguyên nhân, ông Nguyễn Văn Đông, Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Sản xuất tại các làng nghề ở Bắc Ninh mặc dù đã phát triển khá nhưng chủ yếu còn mang tính chất manh mún, các cơ sở, hộ sản xuất nhỏ lẻ vẫn loay hoay với các phương án kinh doanh hoặc chưa xác định được hướng xây dựng thương hiệu nên chưa quan tâm tới việc bảo hộ nhãn hiệu các sản phẩm. Bên cạnh đó, trong suốt nhiều năm liền, chưa có tranh chấp trực tiếp nào xảy ra đối với quyền sở hữu công nghiệp các sản phẩm làng nghề trong nước và quốc tế nên người dân càng cho rằng việc bảo hộ là không cần thiết”. Một số khác thì ngại chi phí tốn kém và thủ tục pháp lý phức tạp khi làm hồ sơ bảo hộ. Từ đó mà ngay cả việc sử dụng tem nhãn của mỗi cơ sở sản xuất như một hình thức nhận diện thương hiệu cũng gần như vắng bóng ở hầu hết các làng nghề.
 
Làng nghề gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đang trong quá trình phát huy hiệu quả nhãn hiệu tập thể.
 

Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, một trong những làng nghề có lượng xuất khẩu hàng hóa chiếm tới gần 70% nhưng dấu ấn thương hiệu trên các sản phẩm rất mờ nhạt, nhiều sản phẩm không có nhãn mác. Làng nghề có khoảng 300 doanh nghiệp và 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, với nhiều sản phẩm sơ chế, gia công cho các đối tác Trung Quốc. Sau khi xuất khẩu, sản phẩm được tinh chế lại, gắn tên thương hiệu của các cơ sở Trung Quốc và đương nhiên, không ai còn biết đến danh tiếng của gỗ Đồng Kỵ. Ngay ở trong nước, sản phẩm của làng nghề này cũng bị làm nhái, làm giả tràn lan.

Ông Vũ Văn Vương, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ cho biết: “Đi đến tỉnh thành nào, cũng thấy người ta vô tư trưng biển Gỗ Đồng Kỵ, trong khi chất lượng hàng thì kém hơn hẳn. Chúng tôi vẫn biết điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của thương hiệu làng nghề, nhưng chưa thể làm gì được”.

Để thương hiệu trở thành cú hích cho làng nghề

Thực tế bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp không chỉ tăng khả năng cạnh tranh và uy tín của sản phẩm mà còn hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Từ năm 2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 74/2009/QĐ-UBND về việc hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 70% kinh phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, trong đó tối đa là 5 triệu đồng/nhãn hiệu tại thị trường trong nước và 10 triệu đồng cho các nhãn hiệu đăng ký ở nước ngoài.

Sau Gỗ Đồng Kỵ và Gốm Phù Lãng, năm 2014, dự án “Hỗ trợ phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ công nghiệp” sẽ tiếp tục hỗ trợ làng nghề Đồng Đại Bái xây dựng nhãn hiệu tập thể. Những chính sách trên được coi là một điều kiện thuận lợi để các làng nghề theo đuổi chương trình bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, góp phần chống việc gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh và các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ trên địa bàn. Hiện tại, Hiệp hội Gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã thu hút được 250 hội viên cùng quyết tâm xây dựng một chiến lược bảo vệ nhãn hiệu của làng nghề. Hội đã đăng ký bộ tem nhãn chống hàng giả của Bộ Công an để dán lên sản phẩm, xây dựng cửa hàng trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề, quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm trong Hiệp hội, đồng thời, dành một nguồn kinh phí để kiến nghị thanh kiểm tra, quản lý thương hiệu Gỗ Đồng Kỵ trong cả nước.

Trong quá trình thâm nhập vào thị trường quốc tế, ngoài đăng ký bảo hộ quốc gia về chỉ dẫn địa lý, các làng nghề cần chủ động trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa ở nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên của nhiều hiệp định, công ước quan trọng về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp gồm: Hiệp định TRIPS, Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp ước hợp tác sáng chế (PTC), Thoả ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Thoả ước La Hay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp,...Trong sân chơi đó, chỉ với một sự chủ quan và chậm trễ, các sản phẩm làng nghề truyền thống lâu đời của Bắc Ninh rất có thể sẽ đánh mất cái tên của chính mình. 

Vì vậy, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu làng nghề cần được quan tâm đầu tư hơn nữa, để cái tên của làng nghề được nhận diện rộng rãi và thực sự trở thành một “cú hích” cho làng nghề phát triển.

Huyền Thương
Top