khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 25/04/2014 - 08:11

Gà tre, tiểu cảnh - Mang thiên nhiên quê về phố

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhiều nhu cầu, thú chơi của người dân cũng thay đổi. Trong khi gà tre cảnh là một thú chơi mới, đang phát triển mạnh mẽ thì tiểu cảnh đã trở thành thú chơi tao nhã và ngày càng có nhiều nấc thang nghệ thuật đòi hỏi người chơi phải kỳ công chinh phục.

Giống gà tre Tân Châu hiện đang được nhiều người chơi ưa chuộng.

Nuôi gà tre cảnh, thú chơi mới

Thú chơi gà chọi đã có từ lâu đời và trở thành một nét văn hóa truyền thống trong những ngày hội ở Bắc Ninh, nhưng thú chơi này đã bị nhiều kẻ lạm dụng, biến tướng thành những trò sát phạt đỏ đen khiến cho nhiều người có định kiến về việc nuôi gà chọi. Từ đó, thú chơi gà tre cảnh đã nổi lên, thu hút nhiều người dân tham gia vì vẻ đẹp tao nhã và giá cả phải chăng.

Gà tre có hình dáng nhỏ gọn, đẹp đẽ với bộ lông mượt mà, lông bờm phủ kín cổ, lông đuôi chạm đất toát lên vẻ thanh tao. Đặc biệt, gà tre rất biết phô trương tiếng gáy nên từ một vật nuôi bình thường đã chiếm được thiện cảm của nhiều người. Hình ảnh một nhóm người ngồi quanh những chú gà tre sặc sỡ để bình phẩm, trao đổi kinh nghiệm với nhau đã không còn trở nên xa lạ trên nhiều tuyến đường thành phố.

Nuôi gà tre cảnh không quá kỳ công, chăm sóc gà tre cũng dễ hơn so với các loại chim, cá, cây cảnh, nhưng để có một chú gà ưng ý, người chơi cũng phải đầu tư khá nhiều thời gian và công sức. Để gà tre có được bộ lông óng mượt, người nuôi phải chú ý đến chế độ dinh dưỡng, chuồng trại và tiêm phòng đầy đủ. Muốn gà tre có tiếng gáy hay, phải cho chúng tiếp xúc với những con gà gáy tốt từ lúc còn rất nhỏ. Gà tre có đặc điểm là hay gáy đúng lúc 3 giờ sáng, sau đó cứ cách một giờ đồng hồ mới lại cất tiếng gáy, mỗi lần gáy vài phút liên tục.

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn, chủ cửa hàng kinh doanh sinh vật cảnh trên đường Nguyễn Gia Thiều cho biết: “Gia đình tôi đã kinh doanh các loại sinh vật cảnh từ nhiều năm nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng nên thời gian gần đây cửa hàng có nhập thêm một số loại gà tre giống Tân Châu có nguồn gốc từ vùng rừng núi An Giang. Với bộ lông sặc sỡ bắt mắt, tiếng gáy đặc trưng, giống gà này rất được khách hàng ưa chuộng; giá dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng một con”.

Anh Vũ Đức Huy (phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh) - người đã có nhiều năm kinh nghiệm nuôi gà tre chia sẻ: “Giống gà tre có vóc dáng nhỏ, trọng lượng chỉ từ 5 lạng đến hơn 1kg, có rất nhiều màu lông khác nhau như trắng tuyết, vàng điều, ô... Tiếng gà gáy là một âm thanh quen thuộc của làng quê, sống giữa phố phường tấp nập rất khó để nghe thấy âm thanh ấy nên tôi đã tìm đến thú chơi này; vừa là tìm niềm vui sau bộn bề công việc, vừa là giữ lại một chút thanh âm của quê hương”.

Có thể thấy, phong trào nuôi gà tre cảnh không chỉ là một thú chơi tao nhã mà còn là một nét văn hóa gắn liền với làng quê Việt. Hy vọng trong thời gian tới, những chú gà tre sẽ có cơ hội trình diễn bộ lông sặc sỡ và cất lên tiếng gáy đặc biệt của riêng mình trong những hội thi sinh vật cảnh.

Thú chơi tiểu cảnh

Cây cảnh đã đi vào cuộc sống của con người như một phần không thể thiếu. Thú chơi cây cảnh cũng thể hiện một phần tâm hồn của người Việt, bởi vậy giữa chốn thị thành không gian nhỏ hẹp, con người khó có thể giao hòa với thiên nhiên và cảnh vật thì chỉ cần một khoảng không gian nho nhỏ, người chơi có thể đặt một tiểu cảnh để trang trí, thư giãn tinh thần sau những giờ làm việc căng thẳng.

Tiểu cảnh - thú chơi tao nhã mang lại giá trị tinh thần to lớn cho người chơi.

Theo ông Phạm Ngọc Tạo, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh, thú chơi tiểu cảnh gắn liền với nghệ thuật non bộ và bonsai. Nghệ thuật chơi bonsai đã có từ lâu đời và phổ biến ở những nước Châu Á, từ bonsai có ý nghĩa là cây cỏ trồng trong chậu cảnh – khác với cây trồng tự nhiên. Nghệ thuật non bộ chủ yếu dùng những vật liệu như đá, san hô, gỗ hóa thạch... kết hợp với bonsai làm tăng thêm vẻ đẹp của tiểu cảnh; nhiều người đã thiết kế thêm không gian cho một hồ nước nằm uốn lượn dưới chân hòn non bộ, đặt thêm một vài bức tượng nhỏ để trang trí... Người chơi như một nghệ sĩ khi mô phỏng, tái tạo vẻ đẹp của thiên nhiên, nếu người chơi không khéo, thì tiểu cảnh chỉ là một đống đất đá ngổn ngang chen lẫn cây cỏ.

Việc tạo dáng cho tiểu cảnh phải tuân thủ tỷ lệ giữa các bộ phận của cây. Chơi tiểu cảnh bao giờ cũng phải coi trọng gốc cây – gốc có to khỏe thì cây mới mạnh, gốc phải to hơn thân. Gốc cây to đồng nghĩa với cây đã lâu năm, nếu gốc có nhiều rễ nổi, rễ sum suê thì càng tăng thêm giá trị. Bên cạnh đó, có những người chơi chỉ làm đẹp tiểu cảnh theo một hướng chính diện mà quên mất đây là một vật thể 3 chiều, mọi góc cạnh cần được chăm chút như nhau. Cái thú vị khi chơi tiểu cảnh không phải nằm ở cái mà ta nhìn thấy, mà chính ở cái ta cảm thấy và rung động.

Càng ngày tiểu cảnh càng được nhiều người yêu thích không chỉ về hình dáng đẹp, độc đáo hay sự kì công mà ở đó, những tiểu cảnh còn đem lại giá trị tinh thần to lớn cho người chơi.

Bài, ảnh: Việt Anh
Top