khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 29/04/2014 - 09:07

Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa góp phần phát triển du lịch

Bắc Ninh là vùng đất cổ, là cái nôi hình thành nền văn hóa Việt Nam với Tổ đình Phật giáo và trung tâm Hán học đầu tiên của nước ta. Bắc Ninh còn nổi tiếng là vùng đất khoa bảng, nơi sinh thành và nuôi dưỡng nhiều bậc hiền tài… Qua hàng nghìn năm xây dựng, phát triển, Bắc Ninh đã tạo dựng một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ mà nổi bật, đặc trưng của văn hóa Bắc Ninh là Dân ca Quan họ-Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; lịch sử văn hiến; văn hóa tâm linh; lễ hội truyền thống; truyền thống hiếu học; các làng nghề cổ… là những giá trị nền tảng để Bắc Ninh kế thừa, phát huy trong nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương.

Đền Đô (Đình Bảng, thị xã Từ Sơn)-nơi thờ 8 vị vua triều Lý là điểm tham quan của nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế.

 
 
Tính đến hết năm 2013, Bắc Ninh có 515 di tích được xếp hạng, trong đó 194 di tích Quốc gia và 321 di tích cấp tỉnh. Cùng với các quy định theo Luật Di sản và các Quyết định của tỉnh về thực hiện bảo vệ, tôn tạo di sản, chỉ trong giai đoạn 2008-2012 Bắc Ninh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng trùng tu, tôn tạo 84 di tích. Ngoài các di tích được Nhà nước hỗ trợ đồng thời cũng phát động xã hội hóa từ nhân dân hàng trăm tỷ đồng phục vụ cho công tác này. Nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh tích cực rà soát, kịp thời phát hiện những hư hỏng, xuống cấp, sự xâm hại, nắm bắt tâm nguyện người dân về về vấn đề trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa; xây dựng chiến lược quy hoạch, bảo vệ, phát huy giá trị các di tích như chùa Dâu, Bút Tháp, quần thể đền-lăng Kinh Dương Vương, thành cổ Luy Lâu, đền thờ Trạng nguyên Lê Văn Thịnh… và phục hồi nhiều lễ hội dân gian truyền thống, nghề cổ truyền. Qua đó góp phần tôn vinh những thuần phong mỹ tục và chấn chỉnh những lệch lạc trong nếp sống cũng như cách thức tổ chức, quản lý lễ hội ở mỗi địa phương. Đồng thời thúc đẩy quá trình đưa lễ hội về đúng với bản sắc dân gian. Chính vì vậy hội Lim, hội đền Bà chúa kho, hội làng Diềm, Đồng Kỵ, Phật Tích… dịp đầu xuân luôn thu hút hàng chục vạn lượt du khách trong và ngoài nước về với Bắc Ninh.

Bảo tồn, tôn tạo di tích văn hóa đúng trọng tâm, Bắc Ninh đã  phát huy được tiềm năng giá trị của di tích theo hướng gắn di tích, lễ hội với phát triển du lịch. Được mệnh danh là “xứ sở của lễ hội”, từ nhiều năm nay, Bắc Ninh xác định du lịch là một ngành kinh tế có định hướng. Nói một cách khác du lịch Bắc Ninh đang phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch mà chủ yếu là di tích lịch sử-văn hóa gắn với lễ hội truyền thống tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, khác biệt và là “cầu nối” giữa các nền văn hóa, tạo thêm cơ sở cho hội nhập, phát triển.

Nhận thức được giá trị và cơ hội phát triển du lịch từ tài nguyên di sản văn hóa-lịch sử, Bắc Ninh có định hướng quy hoạch một cách phù hợp trên nguyên tắc vừa bảo tồn tối đa các yếu tố nguyên gốc trong văn hóa truyền thống, vừa đáp ứng được các nhu cầu của du khách. Việc làm đó vừa phát huy được những giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đồng thời góp phần phát triển du lịch, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.

Bắc Ninh trong những năm qua đã thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm trong vấn đề gìn giữ, phát huy di sản văn hóa-lịch sử tại địa phương. Bên cạnh việc giám sát sử dụng nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân trong việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử-văn hóa còn tích cực tuyên truyền khuyến khích sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn di tích, phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống và phát triển du lịch văn hóa tâm linh, góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Bài, ảnh: Hoàng Mai
Top