khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 05/05/2014 - 08:53

Chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn

Vận dụng hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống xã hội đã mang lại nhiều thành quả vượt bậc. Tuy nhiên để chuyển từ kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn là một khâu hết sức quan trọng, trong đó phải kể đến công tác chuyển giao tiến bộ khoa học đóng vai trò cốt lõi. Hiện thực hóa vấn đề này, thời gian qua Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống.

Áp dụng tiến bộ kỹ thuật nâng cao sản xuất

Trong khuôn khổ nguồn kinh phí và căn cứ vào những chương trình, mục tiêu phát triển của tỉnh và đòi hỏi từ thực tiễn, các ngành, địa phương đăng ký xây dựng danh mục các đề tài triển khai hàng năm. Các đề tài thuộc lĩnh vực khoa học-xã hội tập trung nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý, phục vụ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, như: Cơ sở khoa học và thực tiễn xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh của tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030; giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển làng nghề truyền thống…
 

Các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được nhân rộng.

Hàng loạt tiến bộ kỹ thuật chuyển giao trong sản xuất nông nghiệp để từng bước tiệm cận tới nền nông nghiệp hàng hóa, sinh thái. Trong năm 2013 đã khảo nghiệm cơ bản 60 giống lúa, lựa chọn được một số giống lúa lai có triển vọng, có khả năng chống chịu sâu bệnh cao, gạo thơm, cơm mềm dẻo, năng suất trung bình đạt 67-75 tạ/ha (cá biệt có giống HKT99, PHB71 đạt gần 82 tạ/ha) góp phần đưa năng suất lúa cả năm đạt 59,1 tạ/ha, cao hơn 0,8 tạ/ha so với năm 2012. Đến nay lúa lai, lúa hàng hóa chiếm khoảng 50% diện tích gieo cấy, góp phần nâng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác tăng (thu nhập bình quân đạt 82 triệu đồng/ha/năm). Tiến bộ về giống cây rau, cây thực phẩm để xây dựng vùng cây hàng hóa (ngô ngọt, ớt lai, hành) thu nhập bình quân đạt 80-85 triệu đồng/ha/vụ, từ đó hình thành vùng nguyên liệu cung cấp cho cơ sở chế biến, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp; mô hình sản xuất, chế biến và tiêu thụ nấm rơm trái vụ đã tận dụng các phụ phẩm trong nông nghiệp (như rơm, rạ) góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năng suất đạt 33-36 tạ/ha, thu nhập đạt trên 200 triệu đồng/ha/vụ… Các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình cơ giới hóa nông nghiệp... được triển khai vào thực tiễn đã góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Cùng với nông nghiệp, các lĩnh vực công nghiệp, y tế, môi trường, cải cách hành chính... đều có những đề tài, dự án cụ thể, qua đó góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Ưu tiên đầu tư nghiên cứu, chuyển giao công nghệ

Ông Nguyễn Minh Tân, Phó Giám đốc Sở KH và CN khẳng định: Trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các ngành, các địa phương bám sát nhiệm vụ, ưu tiên đầu tư cho các  hoạt động nghiên cứu, triển khai tiến bộ khoa học. Hướng tới nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa. Trong đó, tập trung lựa chọn, ứng dụng và chuyển giao các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống, phát triển công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn, xây dựng các mô hình trình diễn, thử nghiệm, làm cơ sở nhân ra diện rộng là chủ yếu. Nghiên cứu các vấn đề về văn hóa, các giải pháp nâng cao năng lực quản lý kinh tế, quản lý xã hội, các giải pháp công nghệ phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tiễn. Xác định các ngành sản xuất, sản phẩm chủ lực của địa phương để đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng công nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, tạo sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị xuất khẩu.
 

Nhân giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô.

 

Với mục tiêu đó, thời gian tới trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và giải pháp phù hợp để nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá. Ứng dụng rộng rãi công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con mới có năng suất cao, chất lượng tốt và có khả năng thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu. Triển khai nghiên cứu các đề tài giống lúa mới, nuôi cá lồng trên sông, sản xuất hoa cao cấp, rau sạch gắn với việc liên kết từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Xây dựng các mô hình, hỗ trợ xử lý nước thải, rác thải trong các khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu đô thị, khu dân cư. Ứng dụng công nghệ sản xuất sạch, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về hoạt động hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, sở hữu trí tuệ, hệ thống quản lý chất lượng, chống hàng giả, áp dụng ISO tới xã. Đặc biệt chú trọng các giải pháp cải thiện môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt - vấn đề bức xúc của quá trình phát triển kinh tế. Xác định vấn đề trước tiên là ý thức con người trong giảm thiểu lượng rác, việc áp dụng các biện pháp xử lý tại hộ hết sức quan trọng. Tập trung thực hiện các mô hình phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ, nhằm  tận dụng một nguồn phân bón hữu cơ cho sản xuất nông nghiệp, đồng thời giảm thiểu 35-40% lượng rác sinh hoạt, giảm tải cho các khu xử lý rác thải tập trung.

Bài, ảnh: Thái Uyên
Top