khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 06/05/2014 - 08:24

Hiệu quả công tác tư vấn, điều trị hen phế quản và COPD

Tới tận cuối buổi chiều trước dịp nghỉ lễ dài ngày, tại Phòng Quản lý Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) và Hen phế quản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) vẫn rất đông bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà, phụ trách Phòng đang phân tích về các yếu tố nguy cơ gây bệnh hen và cách phòng tránh tới bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cách sử dụng các loại thuốc xịt để cắt cơn và dự phòng ngăn ngừa được bác sĩ đặc biệt chú ý hướng dẫn rồi yêu cầu bệnh nhân thực hành tại chỗ.

Từ khi thành lập Phòng Quản lý COPD và Hen (năm 2005, khi đó có tên là Phòng Tư vấn Hen) cho đến khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống COPD và Hen phế quản (năm 2011), công tác tư vấn, điều trị ngoại trú hen phế quản và COPD đã thực sự phát huy hiệu quả. Trước đây, khi chưa được tư vấn, người dân sợ bị kỳ thị và tự kỳ thị nên không dám đi khám, do vậy chưa biết cách dự phòng, dẫn đến phải cấp cứu nhiều và bị tác dụng phụ của thuốc đường uống (như đái tháo đường, chảy máu dạ dày, suy thận…). Giờ đây, nhờ công tác tuyên truyền, tư vấn và quản lý hiệu quả đối tượng bệnh nhân hen và COPD đã giảm được tối đa các cơn kịch phát phải cấp cứu, bệnh nhân được dự phòng bằng các loại thuốc đường xịt nên an toàn. Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân được nâng cao rõ rệt và giảm được rất nhiều chi phí do không phải điều trị nội trú.
 

Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà đang hướng dẫn bệnh nhân cách dùng đúng các loại thuốc xịt trong điều trị bệnh hen - COPD.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Trà, hiện Phòng quản lý hơn 700 bệnh nhân hen phế quản, trung bình mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân. Vào những dịp thay đổi thời tiết thì số lượng bệnh nhân thường cao hơn. Đối tượng bệnh nhân bị hen cũng rất đa dạng, kể cả về độ tuổi và nhận thức nên rất cần sự hợp tác và tuân thủ của người bệnh.

Theo đánh giá sơ bộ, nhờ điều trị dự phòng tốt, đại đa phần bệnh nhân giảm liều điều trị sau một thời gian và không bị ảnh hưởng của bệnh; đối với bệnh nhân dưới 18 tuổi, sau từ 12 đến 18 tháng điều trị có thể khỏi bệnh hoàn toàn.

Bác sĩ Trà cho biết, có bệnh nhân trước đây mỗi tháng cấp cứu tới 2 lần vì lên cơn hen kịch phát nhưng sau khi được tư vấn và điều trị thì 8 năm nay chưa phải nhập viện. Khuyến cáo về việc cần thiết phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc trong kiểm soát bệnh hen, không được tự ý bỏ điều trị khi chưa có chỉ định của bác sĩ bởi nếu phá vỡ nguyên tắc có thể mất đi sinh mạng bất cứ lúc nào. Cách đây vài năm của một bệnh nhân nữ ở phường Thị Cầu (thành phố Bắc Ninh), sau gần 1 năm điều trị, khi thấy sức khỏe đã ổn định, bệnh nhân tự ý bỏ thuốc và bị cơn kịch phát sau khi bỏ thuốc vài tháng, dẫn đến tử vong. Một trường hợp khác, một nhân viên y tế bị hen cũng bị tử vong khi không có thuốc cắt cơn.

Người bệnh hen hoàn toàn có thể chung sống hòa bình nếu được điều trị dự phòng tốt nhằm ngăn ngừa khởi phát cơn hen phế quản. Đối với những người có nguy cơ cao bị hen (tính chất gia đình, cơ địa dị ứng...) nên tránh tiếp xúc với những chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, hóa chất, khói thuốc lá. Người bị bệnh hen phế quản phải giữ gìn cẩn thận, tránh các nhiễm khuẩn đường hô hấp; bỏ rượu, thuốc lá; ăn uống đầy đủ, tập luyện thường xuyên để nâng cao sức khỏe. Tuân thủ việc dùng thuốc dự phòng, cắt cơn theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa.

Bài, ảnh: Việt Hoa
Top