khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ Tư, 07/05/2014 - 09:12

Ký ức Điện Biên Phủ

LTS: Trong cuộc gặp mặt đại biểu chiến sĩ Điện Biên do Hội CCB tỉnh tổ chức, PV Báo Bắc Ninh đã gặp gỡ, trò chuyện với một số CCB.

Bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt

(CCB Nguyễn Minh Huệ, sinh năm 1928, thôn Lạc Hoài, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành)
 
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là chiến sỹ công binh, trực thuộc Bộ Quốc phòng. Chúng tôi có nhiệm vụ rà phá bom mìn nổ chậm trên những chặng đường hành quân của bộ đội, bảo đảm an toàn, thông suốt cho giao thông, mở đường kéo pháo lên đồi. Quá trình thực hiện nhiệm vụ không ít đồng đội đã hy sinh.
Từ thực tế chiến đấu, nhiều sáng kiến được phát huy, như khi làm cầu chúng tôi lợi dụng những cây cổ thụ ở hai bên sông để làm dây kéo bắc cầu qua sông. Trong tay cũng chỉ có xà beng, xẻng… nhưng với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Điện Biên Phủ những người lính chúng tôi đã vượt qua mọi gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cùng toàn dân tộc làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Ngay khi giải phóng Điện Biên Phủ, chúng tôi lại tham gia thu dọn chiến trường, làm cầu qua sông để đưa nhân dân, bộ đội, thương binh và tù binh về các tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang… 60 năm đã trôi qua, giờ đây nhớ lại những kỷ niệm về những ngày tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi luôn tự hào. Những kỷ niệm ấy sẽ là động lực để chúng tôi tiếp tục sống vui, sống khỏe, nêu gương sáng cho con, cháu học tập.
Mở đường chiến dịch mà vui như trảy hội

(Cựu TNXP Nguyễn Thị Thược, xã Phú Hòa, Lương Tài)

 
Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, khí thế tòng quân đánh giặc rất sục sôi. Thanh niên, nam nữ hăng hái vào bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Tuổi trẻ khi ấy chỉ nghĩ đơn giản một điều là được tham gia đánh giặc Pháp, giải phóng quê hương chứ không hề sợ khó, sợ khổ và hy sinh.

Trong khí thế ấy, tôi và 2 người bạn cùng thôn đã tình nguyện tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Chúng tôi thực hiện nhiệm vụ làm đường giao thông thuộc địa bàn tỉnh Lai Châu rồi về Sơn La. Công việc thì nặng nhọc với phá núi, đập đá, san đường. Trang bị còn thiếu thốn, ăn đói, mặc rét, ở rừng thiêng, nước độc nhưng chẳng anh chị em nào kêu ca. Đổ mồ hôi, xương máu lao động trên đường mà vui như đi hội. Hoàn thành nhiệm vụ, cuối năm 1953, tôi chuyển về địa phương mới được biết mình đã góp sức nhỏ bé làm những cung đường phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Góp phần làm nên chiến thắng

(CCB Nguyễn Bá Nhạ, sinh năm 1932, thôn Đoài, xã Tam Giang, huyện Yên Phong)
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi được phân công làm trợ lý Ban Chính trị Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, nằm chốt tại Trại Cau, Đồng Hỷ (Thái Nguyên). Khi nhận được lệnh của chỉ huy, tôi cùng đồng đội di chuyển từ Trại Cau về Điện Biên Phủ. Để giữ bí mật và tránh được pháo của địch, đơn vị thực hiện phương châm ngày nghỉ, tối lội suối đi xuyên rừng. Lên đến nơi, chúng tôi tiếp tục nhận được lệnh tiến sang biên giới Việt - Lào, dọc theo sông Nậm U để tiêu diệt các cứ điểm của địch ở đó. Tiến đến đâu, địch đều bỏ chạy, trên đường rút chạy chúng gài mìn làm cho nhiều bộ đội ta bị thương vong. Tôi cùng anh em chôn cất đồng đội.

Hoàn thành nhiệm vụ, đơn vị quay về chiến trường Điện Biên Phủ để thực hiện phương châm đánh chắc, tiến chắc, ngày đêm đào hào, tiến sát vào các căn cứ điểm của địch. Mặc dù hỏa lực của địch bắn tới tấp nhưng anh em đều quyết tâm, dũng cảm, đào bới được nhiều tuyến giao thông hào vào sát các cứ điểm của địch. Tại đây, đơn vị cùng các đơn vị khác đã hoàn thành nhiệm vụ đánh tiêu diệt các cứ điểm 106, 206, 311B…, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Giáo dục con cháu phát huy truyền thống cha ông

(CCB Ngô Văn Biên, sinh năm 1928, khu Vân Trại, phường Vân Dương, thành phố Bắc Ninh)

 
 
Năm 1949, tôi tạm biệt quê hương tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, đóng quân tại tỉnh Bắc Giang. Khi chiến dịch Điện Biên Phủ mới bắt đầu, tôi được điều động về Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 làm Tiểu đội Trưởng, trực tiếp cùng đồng đội tham gia đào hào tiến vào lô cốt của địch ở đồi Him Lam. Do đây là những trận đánh mở đầu, có ý nghĩa rất lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đặc biệt phải gây tâm lý hoang mang cho kẻ địch nên chúng tôi luôn có chung một ý chí quyết chiến, quyết thắng. Tiểu đội có 12 đồng chí do tôi dẫn đầu. Ngoài đào hào chúng tôi còn thêm nhiệm vụ bắn tỉa đối phương khi phát hiện.

Có lẽ kỷ niệm cảm động không bao giờ quên đối với tôi là trong lúc đào hào, kẻ địch điên cuồng nổ súng quyết liệt, khiến một số anh em bị thương nặng. Lực lượng quân y chưa kịp đến cấp cứu nhưng đồng đội bị thương không thể di chuyển được vẫn động viên chúng tôi tiếp tục tiến lên làm nhiệm vụ, không được lùi bước. Lời nói của đồng đội đã thôi thúc anh em càng thêm quyết tâm và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giờ đây, tôi chỉ mong muốn có sức khỏe tốt để tuyên truyền, giáo dục, nhắc nhở con cháu, những người thân xung quanh hãy phát huy truyền thống của ông cha, ra sức học tập, công tác, lao động sản xuất, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phát triển vững mạnh.

Những chiến sỹ  đi trước về sau

(CCB Nguyễn Văn Thiệu, sinh năm 1935, khu phố Phù Lưu, phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn)
Nhập ngũ tháng 11 năm 1951, tôi được nhận nhiệm vụ công tác tại Cục Quân khí, Tổng cục Hậu Cần (nay là Tổng cục Kỹ thuật), đơn vị có trách nhiệm trang bị vũ khí cho quân đội phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Vũ khí để phục vụ cho chiến dịch có từ 3 nguồn: Do các nước Xã hội chủ nghĩa giúp đỡ, như đạn cối, lựu đạn, súng trường…; do quân giới Việt Nam sản xuất, như lựu đạn, bộc phá ống, bom, mìn; cũng do điều kiện lúc đó còn thiếu thốn, để đảm bảo vũ khí phục vụ chiến dịch, đơn vị chúng tôi có trách nhiệm thu hồi, gom các vũ khí của địch sau các trận chiến đấu, vận chuyển đưa về các kho hầm ở trong rừng (các kho hầm với chiều sâu từ 1 đến 2m, chiều rộng và dài từ 4 đến 5m), sau đó để phân loại, gồm một số loại vũ khí như mìn, đạn bazooka… Kỷ niệm nhớ nhất là có lần do sơ suất, khi phân loại, sửa chữa đạn bazooka của địch (do đã được sử dụng nên độ an toàn rất thấp), chẳng may bị chập mạch điện, thuốc phóng về phía sau làm đồng đội đang làm nhiệm vụ cùng bị bỏng. Nhờ đó, mà từ những lần sau tôi đã rút kinh nghiệm, làm việc cẩn trọng, an toàn hơn.

Cũng như những đồng chí, đồng đội tham gia chiến đấu trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, cuộc sống của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ ngành quân khí rất thiếu thốn, khó khăn về mọi thứ “có gì ăn đấy, có gì mặc đấy”, nhưng đồng đội chúng tôi đều động viên nhau, hăng hái làm ngày, làm đêm cung cấp, vận chuyển, đảm bảo vũ khí phục vụ chiến dịch. Đến khi kết thúc thắng lợi, các chiến sỹ của đơn vị quân khí như chúng tôi lại là những người ở lại thu hồi, gom vũ khí, đạn dược, nên được gọi là những chiến sỹ “đi trước về sau”, góp sức cùng đồng đội, nhân dân làm nên chiến dịch Điện Biên Phủ vẻ vang, hào hùng.

Áp dụng chiến thuật “vây lấn”

(CCB Nguyễn Quang Uy (Đức San), sinh năm 1935, thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du)     
 
Cuối năm 1951, tôi lên đường nhập ngũ, được phân về Trung đoàn 174, Sư đoàn 316. Cuối tháng 10 năm 1953, khi đang chỉnh huấn tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân lên Tây Bắc để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau đợt tiến công thứ nhất từ ngày 13-3 đến ngày 17-3, quân dân ta đã tiêu diệt phân khu phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sang đợt tấn công thứ 2 từ ngày 30-3 đến ngày 30-4, đơn vị chúng tôi được trực tiếp tham gia đánh đồi A1. Đồi A1 là một vị trí kiên cố, có tính chất quyết định. Để chống lại cứ điểm phòng ngự kiên cố của quân Pháp, cùng với các đồng đội, đơn vị chúng tôi đã áp dụng chiến thuật “vây lấn” rất có hiệu quả bằng hệ thống chiến hào, đào các giao thông hào dần dần bao vây và siết chặt, tiếp cận các vị trí của Pháp. Các chiến hào này tránh cho quân tiến công thương vong vì pháo binh và không quân địch, tiến sát được vị trí của quân địch, làm vị trí bàn đạp tấn công rất thuận lợi. 

Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ của địch trên đồi A1, công binh Việt Nam đã đào đường hầm từ trận địa tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa khối bộc phá 1 tấn cho nổ, đó cũng là lệnh tổng tấn công của quân đội ta vào các cứ điểm quan trọng còn lại của thực dân Pháp tại Điện Biên Phủ, đưa chiến dịch tới toàn thắng.

Tự hào là lính pháo binh

(CCB Nguyễn Văn Hả, thôn Gia Phú, xã Bình Dương, Gia Bình)

 
 
Trong suốt 32 năm cầm súng ở cả 2 cuộc kháng chiến, mặc dù chỉ được tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ có 6 tháng, nhưng kỷ niệm về những ngày gian khổ mà kiên cường ấy tôi vẫn chưa bao giờ quên được. Sau khi chứng kiến bom mìn của giặc Pháp tàn phá cả làng Gia Phú và gia đình tôi phải lên nhận xác của người anh trai cả bị giặc bắn chết trên đường làm nhiệm vụ, năm 16 tuổi, tôi tình nguyện lên đường nhập ngũ. 3 tháng sau, tháng 12-1953, tôi được điều động lên Điện Biên Phủ với nhiệm vụ là lính pháo binh của Trung đoàn 165,  Sư đoàn 312 khi chiến dịch đang vào giai đoạn ác liệt nhất. Sau quyết định thay đổi phương châm tác chiến sang “Đánh chắc, tiến chắc”, chúng tôi được lệnh kéo pháo ra tại Khu vực Đồi Xanh, một trong những lá chắn quan trọng phía đông của  sở chỉ huy của Pháp ở trung tâm Mường Thanh.

Con đường kéo pháo ra gian khổ hơn lúc kéo vào rất nhiều vì địch đã nắm được tình hình và liên tục nã pháo ngăn chặn. Rất nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh, cả Trung đoàn đã phải thay quân đến 3 lần. Lúc ấy, chúng tôi chỉ trào dâng lòng căm thù, quyết tâm chiến đấu đến cùng để đập tan quân giặc. Với chúng tôi, mỗi chiến sỹ Điện Biên đều coi cái chết nhẹ như không, vì vậy anh em luôn đoàn kết, động viên nhau vượt qua mọi khó khăn. Cứ khoảng 80 người cùng ra sức kéo 1 quả pháo 105mm, nặng hơn 2 tấn qua núi cao, đèo dốc hiểm trở bất kể ngày đêm. Cuối cùng, bộ đội ta đã hoàn tất việc đưa pháo ra và bố trí lại trận địa sẵn sàng nổ súng. Trận chiến kết thúc với chiến thắng vang dội thuộc về quân ta. Điều tiếc nuối nhất là tôi không được tham dự lễ mừng chiến thắng ngay tại chiến trường Điện Biên khi phải nhận nhiệm vụ khẩn cấp khác. Dù vậy, đến bây giờ, mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi luôn tự hào được là một người lính pháo binh có mặt trong trận đấu lịch sử để làm nên mốc son chói lọi của toàn quân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trào dâng niềm hạnh phúc mừng chiến thắng

(CCB Nguyễn Đức Quy, sinh năm 1930, thôn Can Vũ, xã Việt Hùng, Quế Võ)

 
 
Tháng 6 năm 1950 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tôi lên đường nhập ngũ tại Trung đoàn Pháo binh 675 thuộc tỉnh Cao Bằng. Trải qua nhiều chiến dịch như: Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào… năm 1954 tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến sỹ pháo thủ số 1 được phân công trực tiếp bắn vào đồi Him Lam, trận đánh mở đầu có ý nghĩa vô cùng to lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Vì vậy, chúng tôi đều chung một niềm suy nghĩ “không sợ hy sinh mà chỉ mong ngày độc lập”.

Kỷ niệm không bao giờ quên đó là trận đánh tiến vào đồi A1 thời điểm khốc liệt nhất của chiến dịch Điện Biên Phủ, trong vòng một giờ đồng hồ cùng đồng đội bắn 21 loạt đại bác vào các đồn địch. Quân địch rụng tả tơi nhưng quân ta cũng mất mát nhiều. Nhìn đồng đội lần lượt ngã xuống sau mỗi trận đánh, chúng tôi trào dâng lòng căm thù giặc vô hạn và càng quyết tâm chiến đấu tới cùng “quyết chiến, quyết thắng” nhằm phá tan trận địa của địch, góp phần vào chiến thắng lịch sử ngày 7-5. Có mặt tại buổi Lễ mừng chiến thắng ngay tại chiến trường Điện Biên, chúng tôi reo vang những bài hát cách mạng, lòng trào dâng niềm hạnh phúc. Năm 1960 tôi được làm lễ hạ sao về nhận công tác tại Sở Công an Hải Phòng. Biết bao Huân chương, Huy chương Nhà nước trao tặng nhưng tôi cảm thấy tự hào nhất với Huy hiệu Chiến sỹ Điện Biên và tôi luôn hãnh diện là một chiến sỹ pháo thủ có mặt trong trận chiến lịch sử ghi dấu một mốc son chói lọi của toàn quân và dân ta.

Nhóm PV
Top