Thực hiện Đề án “Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân”, Hội Nông dân (HND) tỉnh đẩy mạnh việc thực hiện chương trình liên kết với các doanh nghiệp, công ty sản xuất phân bón. Căn cứ vào tình hình thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện canh tác của nông dân các địa phương trong tỉnh và ưu điểm, thế mạnh của từng loại phân bón, HND tỉnh chủ động phối hợp với Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân đạt hiệu quả thiết thực, số lượng cung ứng mỗi năm hàng nghìn tấn. Sản phẩm cung ứng cho hội viên nông dân chủ yếu là phân bón đa dinh dưỡng NPK chuyên dùng cho lúa - đây cũng là loại phân bón được ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, dễ sử dụng, có chất lượng ổn định và giá cả hợp lý.
Để hội viên nông dân sử dụng phân bón đạt hiệu quả kinh tế cao, HND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Công ty tổ chức tập huấn chuyển giao KHKT cho bà con, cấp phát tờ rơi hướng dẫn sử dụng, đồng thời triển khai xây dựng các mô hình trình diễn, các cuộc hội thảo đầu bờ để đánh giá chất lượng, hiệu quả thực tế.
Mô hình trình diễn bón phân NPK Lâm Thao khép kín trên cây lúa Nếp Phu Thê trong năm 2013 tại nhiều địa phương cho thấy, chi phí trong mô hình trình diễn thấp hơn so với diện tích đối chứng nhưng thu hoạch lại cho năng suất cao hơn. Cụ thể, chi phí cho 1 sào lúa trong mô hình trình diễn là 470.130 đồng, năng suất bình quân 190 kg/sào, thu nhập (đã trừ chi phí đầu tư) 859.870 đồng; so với 1 sào lúa trong ruộng đối chứng với chi phí đầu tư là 492.300 đồng, năng suất bình quân 165 kg/sào, thu nhập 662.700 đồng (thấp hơn so với mô hình trình diễn 197.170 đồng/sào).
Phát huy kết quả đó, vụ xuân 2014, Hội đứng ra tín chấp cung ứng hơn 600 tấn phân bón theo hình thức trả chậm cho nông dân, qua đó góp phần hạn chế tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng, bảo đảm phục vụ sản xuất kịp thời, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và lợi ích của các hộ nông dân.
Anh Nguyễn Văn Nam ở HTX Nghĩa Đạo (Thuận Thành) chia sẻ: “Trước đây, khi vào vụ sản xuất, nông dân chúng tôi phải lo rất nhiều chi phí: làm đất, giống, thuê nhân công... và đặc biệt là phân bón. Từ khi có chương trình mua phân bón theo hình thức trả chậm, gia đình tôi đã đăng ký ngay để yên tâm đầu tư sản xuất; không phải lo tiền ngay mà vẫn có phân bón để sản xuất kịp thời vụ, giúp việc canh tác đạt hiệu quả cao”.
Có thể thấy, chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho nông dân là chủ trương đúng, vừa tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, vừa giúp nông dân tiết kiệm chi phí do mua được phân bón bảo đảm chất lượng; là động lực để thu hút nông dân tham gia vào tổ chức Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. Để chương trình ngày càng phát triển hơn nữa, Hội Nông dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp mở rộng cung ứng; đồng thời đề nghị các cấp, ngành có ưu tiên, hỗ trợ lãi suất trả chậm cho nông dân.