Theo thống kê của các địa phương, thời điểm trước mùa mưa bão năm 2013, toàn tỉnh tồn tại 1.127 trường hợp vi phạm hành lang đê điều, trong đó có 657 trường hợp cần xử lý dứt điểm. Ngoài ra, từ đầu năm 2014 đến nay trên địa bàn tỉnh phát sinh thêm 186 trường hợp vi phạm hành lang đê, chủ yếu là xây nhà cấp 4, công trình phụ, mái hiên, mái vẩy, tường rào, trồng cây, đào xẻ thân đê làm dốc lên đê trái phép, các trường hợp còn lại chủ yếu công trình tâm linh, trồng cây hàng năm, dựng tường rào bằng dây thép gai cần xử lý dứt điểm trong những năm tới.
Theo ông Nguyễn Văn Đại, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và PCLB tỉnh, nguyên nhân dẫn đến số vụ vi phạm hành lang đê điều tồn tại nhiều là do một số tuyến đê đi qua các khu dân cư, làng cổ, khu đô thị người dân có nhu cầu cơi nới, sửa chữa nhà; việc khai thác đất đai, cát, sỏi phục vụ xây dựng các công trình; việc phát hiện, lập biên bản ngăn chặn vi phạm của lực lượng quản lý đê chưa kịp thời; một số địa phương thiếu kiên quyết, chưa thường xuyên kiểm tra đôn đốc để xử lý các vi phạm, đặc biệt một số địa phương vì lợi ích trước mắt còn tổ chức cho dân đấu thầu, thuê bến bãi trái phép, bán hoặc giao đất ngay sát chân đê tạo điều kiện gián tiếp cho các hành vi vi phạm Luật Đê điều.
Trước thực trạng vi phạm đê điều, ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống đê, Sở Nông nghiệp & PTNT tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng kế hoạch xử lý với mục tiêu giải quyết triệt để tình trạng vi phạm mới phát sinh và các vi phạm nghiêm trọng. Theo đó các địa phương có tuyến đê tả, hữu Đuống, hữu Thái Bình, hữu Cầu tổ chức xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm Luật Đê điều nằm trong phạm vi mặt, mái đê và cách chân đê 5m. Riêng đối với tuyến đê hữu Cầu thuộc địa bàn huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh do đặc thù nhiều đoạn đê đi qua khu vực làng cổ và khu vực đô thị nên sẽ tổ chức tháo dỡ toàn bộ mái che, mái vẩy làm ảnh hưởng tới việc ứng cứu, hộ đê và giao thông đi lại trên đê (đối với khu vực làng cổ), tháo dỡ toàn bộ vi phạm như tường rào, nhà tạm, công trình phụ… ở phạm vi cách mép đê bê tông từ 3-5m (đối với các khu vực làng, đô thị còn lại) và giải quyết triệt để các vi phạm nằm ở mặt, mái đê và cách chân đê 5m (đối với các khu vực ngoài làng, ngoài khu đô thị)...
Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, tất cả các địa phương đều xây dựng kế hoạch; thành lập Ban Chỉ đạo xử lý vi phạm đê điều; triển khai các bước theo đúng trình tự (tổ chức thông báo, tuyên truyền, vận động các hộ vi phạm tự nguyện tháo dỡ; rà soát, kiện toàn hồ sơ, lập phương án cưỡng chế). Ngành Nông nghiệp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc lực lượng quản lý đê phối hợp Phòng Nông nghiệp & PTNT (Kinh tế) các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, phân loại, kiện toàn hồ sơ xử lý các trường hợp vi phạm. Do có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, tích cực của các cấp, ngành, địa phương nên đến nay toàn tỉnh đã tiến hành giải tỏa được 688/742 trường hợp vi phạm.
Mặc dù đã đạt kết quả nhất định trong xử lý tình trạng vi phạm hành lang đê điều, nhưng vẫn còn tồn tại một số trường hợp bến bãi tập kết vật liệu xây dựng trái phép và hơn 400 trường hợp vi phạm khác. Do vậy để xử lý dứt điểm tình trạng trên, bảo đảm an toàn cho hệ thống đê trong mùa mưa bão, thời gian tới các địa phương cần tiếp tục tập trung xử lý, xây dựng phương án cưỡng chế đối với các trường hợp cố tình không thực hiện tháo dỡ. Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng với chính quyền các địa phương, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc phát hiện, xử lý vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức của người dân về lĩnh vực đê điều và phòng, chống lụt, bão.