khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 16/05/2014 - 08:59

Ngành Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh chặng đường xây dựng và trưởng thành

Cách đây vừa tròn 55 năm, ngày 4-3-1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay) được thành lập theo Sắc lệnh số 016/SL của Chủ tịch nước, đánh dấu sự ra đời, phát triển và đóng góp của ngành KH&CN vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 18-5- 1963 tại Hội nghị Khoa học và kỹ thuật toàn quốc lần thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự, Người căn dặn “Nhiệm vụ của KHKT là cực kỳ quan trọng, cho nên mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác KHKT để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất để xây dựng CNXH thắng lợi”.

Hơn 50 năm trôi qua những lời dặn của Bác Hồ vẫn khắc ghi và trở thành động lực thôi thúc đội ngũ trí thức sáng tạo đưa KH&CN phục vụ sản xuất và đời sống. Nhằm tôn vinh những đóng góp của các thế hệ các nhà khoa học, động viên các tầng lớp nhân dân hăng say lao động sáng tạo, ngày 18-6-2013, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, trong đó lấy ngày 18-5 là Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn 50 năm qua hoạt động KHCN nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thúc đẩy hội nhập quốc tế, đưa nền kinh tế đất nước phát triển theo hướng CNH-HĐH. Trong thành tích chung ấy, có sự đóng góp của ngành KH&CN Bắc Ninh.

Thời kỳ 1963-1975, hoạt động KHKT của tỉnh  góp phần đáng kể trong một số lĩnh vực sản xuất và đời sống. Đã có hàng chục nghìn cày, bừa cải tiến được đưa vào áp dụng; nghiên cứu thành công sử dụng than bùn làm phân vi sinh, làm phân xanh, tưới tiêu khoa học, thả bèo hoa dâu; đưa cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở chỉ đạo sản xuất giống lúa mới, phát triển lúa xuân… với tinh thần “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “tất cả vì tiền tuyến”, “tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

Kết quả, vụ xuân 1963-1964 năng suất lúa tăng từ 15-30%. Nhiều cải tiến về cơ khí, sản xuất máy ép gạch, máy cấy, chế men sứ, gốm; nghiên cứu xây dựng trạm thủy điện nhỏ; đưa cơ khí nhỏ vào HTX, chế tạo lò sấy khoai, sắn, trồng nấm rơm; cải tiến công cụ cào cỏ 64A thành 64B, 64C… Thử nghiệm thành công kỹ thuật mới rải cấp phối mặt đường chống ổ gà, hướng dẫn kỹ thuật làm giao thông nông thôn, cải tiến các công cụ làm đường. Trong y tế, đã triển khai các biện pháp tiêu diệt bệnh sốt rét, chữa bệnh bằng thuốc nam, châm cứu, đông tây y kết hợp, sản xuất được nhiều loại thuốc nam thay thế một phần thuốc tây, tuyên truyền các biện pháp kỹ thuật với chủ đề chống chiến tranh hóa học, vi trùng… Về công tác quản lý kỹ thuật, từ năm 1970 đã mở rộng diện kiểm định sang độ dài thương nghiệp và dung tích. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành TCVN, xây dựng các tiêu chuẩn địa phương và tiêu chuẩn cơ sở. Tổ chức phòng hóa nghiệm tổng hợp, phân tích, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Thời kỳ 1976-1985, hoạt động phổ biến áp dụng KHKT vào sản xuất được đẩy mạnh, phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất được phát động rộng khắp, đạt nhiều kết quả tốt. Nhiều đề tài khoa học được áp dụng vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần giải quyết những khó khăn gay gắt về lương thực, thực phẩm. Các đề tài thâm canh giống lúa mới, sản xuất ngô lai, đậu tương, khoai tây giống… Cơ giới hóa khâu bốc dỡ ở HTX vôi Quyết Tiến, thiết kế chế tạo máy bứt củ lạc, nuôi tảo Spurulina làm thức ăn cho gà, thụ tinh nhân tạo sản xuất giống lợn lai kinh tế; xây hầm khí biogas ở các trại chăn nuôi tập trung… áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả thiết thưc.

Thời kỳ 1986-1997, giai đoạn bắt đầu thực hiện đường lối đổi mới, xoá bỏ chế độ kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần. Để phù hợp với tình hình mới, tổ chức và hoạt động của ngành cũng có nhiều thay đổi thích ứng. Hội đồng KHKT tỉnh, Chi cục TCĐLCL, Trung tâm ứng dụng và dịch vụ KHKT được thành lập. Hoạt động phổ biến, áp dụng KHKT vào sản xuất và đời sống được đẩy mạnh. Hàng chục loại giống cây trồng, vật nuôi mới được tuyển chọn bổ sung vào sản xuất, cùng với sự đầu tư của nông dân đã góp phần đáng kể nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, bảo đảm ổn định vững chắc nhu cầu lương thực, thực phẩm. Trong công nghiệp, giao thông, xây dựng: áp dụng phụ gia trong đúc bê tông đông kết nhanh, tiết kiệm 10% ximăng; ứng dụng lò gang rót thẳng tiết kiệm 40-50% nguyên liệu; áp dụng TBKT đóng mới vỏ xe ca 26-46 chỗ ngồi, phà trọng tải 30 tấn, xà lan lưới thép 50 tấn; chế tạo máy ép gạch hoa trang trí, máy ép trục vít HT-02, máy bơm trục xiên, động cơ điện, quạt bàn sải cánh 400mm…

Trong công tác quản lý, bắt đầu áp dụng cơ chế thực hiện các đề tài khoa học thông qua hợp đồng, coi trọng đánh giá về công nghệ và hiệu quả kinh tế. Đã có hàng trăm tiêu chuẩn kỹ thuật các loại được áp dụng vào sản xuất; hàng trăm sản phẩm được đăng ký chất lượng. Hầu hết các phương tiện đo của các ngành thương nghiệp, lương thực, ngoại thương, vật tư… được kiểm tra, kiểm định thường xuyên. Công tác thanh tra đi vào nền nếp, xử lý nhiều vụ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng (giống, vật tư, phân bón…). Công tác thông tin KHKT được mở rộng.

Thời kỳ 1997 đến nay, sau 17 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Bắc Ninh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Qui mô kinh tế của tỉnh theo giá hiện hành năm 2013 đã tăng gấp 37,3 lần so với năm 1997; GDP bình quân đầu người năm 2013, gấp 16,4 lần so năm 1997. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp của hoạt động KH&CN. Về công tác tham mưu, sở đã phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho Tỉnh ủy ban hành 12 Nghị quyết, Chỉ thị, chương trình, kế hoạch để chỉ đạo các hoạt động KH&CN trên địa bàn.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, các ngành chức năng đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chương trình, đề án về phát triển các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội. Các ngành các cấp đã triển khai thực hiện 1.405 đề tài, dự án KH&CN. Hoạt động nghiên cứu KHXH&NV đã đóng góp một phần cơ sở khoa học cho việc xây dựng các chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch; nâng cao hiệu quả công tác quản lý; phát triển nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống. Các TBKT về giống, biện pháp thâm canh đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành các vùng, trang trại sản xuất hàng hoá tập trung, tạo tiền đề để phát triển chương trình cơ giới hoá, nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy bằng Nghị quyết 09-NQ/TU và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp trong việc đưa giống mới vào sản xuất đã tạo bước đột phá về năng suất (từ 1997-2013 năng suất lúa tăng 1,5 lần; ngô, lạc, đậu tương, khoai tây tăng từ 10-51%; thuỷ sản tăng 4,27 lần; giá trị 1ha canh tác tăng 4,8 lần; các khâu làm đất, thu hoạch lúa được cơ giới hoá 70-80%. Trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp và làng nghề được nâng lên một bước, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm; chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã hình thành các ngành công nghiệp công nghệ cao có giá trị gia tăng và giá trị xuất khẩu lớn. Đã xây dựng cơ sở hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với HTQLCL TCVN ISO 9001:2008 góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hoá các cơ quan hành chính. Hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN được đổi mới, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế-xã hội. Tiềm lực KH&CN của địa phương được nâng lên, từng bước đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Ghi nhận những đóng góp của ngành trong suốt hơn 50 năm, tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của ngành KH & CN tỉnh đã được Đảng, Nhà nước, các bộ ngành và tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; Cờ thi đua Bằng khen của Thủ tướng, của Bộ và UBND tỉnh… Thành tích đạt được là niềm tự hào của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của ngành. Song điều đó cũng đặt ra trách nhiệm lớn hơn, nặng nề hơn ở phía trước. Mỗi cán bộ công chức, viên chức của ngành cần nỗ lực rèn luyện, học tập và phấn đấu nhiều hơn nữa để nâng cao tầm hiểu biết, kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng đòi hỏi mới, góp phần thiết thực đưa KH&CN phát triển xứng tầm với vai trò là động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước.

Nguyễn Minh Tân
Top