khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 16/05/2014 - 09:01

Công nghệ cao, giải pháp tối ưu phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao hiệu quả kinh tế đồng thời hướng tới xây dựng nền nông nghiệp sinh thái-đô thị là giải pháp tối ưu hiện nay, nhất là trong điều kiện đất canh tác đang dần thu hẹp lại. Trên tinh thần đó, những năm qua với vai trò là ngành tham mưu giúp tỉnh, Sở KH và CN đã xây dựng, chuyển giao các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao vào thực tiễn góp phần nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích canh tác của toàn tỉnh đạt 82 triệu đồng/ha/năm.

Trong giai đoạn 2008-2013, đã triển khai 9 đề tài, dự án với tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách sự nghiệp khoa học là 5,55 tỷ đồng, vốn đối ứng của dân 16,7 tỷ triệu đồng; chuyển giao 26 quy trình kỹ thuật trồng các loại hoa cao cấp cho các hộ nông dân. Toàn tỉnh đã xây dựng được 17 mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở 8 huyện, thị xã, thành phố, với hơn 69.000m2 nhà lưới để sản xuất các loại rau an toàn, hoa cao cấp trên cơ sở áp dụng giống mới, biện pháp thâm canh mới và công nghệ sinh học vào sản xuất. Kết quả, thu nhập từ các mô hình đạt từ 300-800 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có mô hình đạt 1 tỷ đồng/ha/năm.

Một số doanh nghiệp ở Tiên Du, Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh nhờ được hỗ trợ đầu tư xây dựng hàng ngàn m2 nhà lưới hiện đại, chuyển giao công nghệ để sản xuất các loại hoa cao cấp cho thu nhập 800-900 triệu đồng/1000m2/năm. Các mô hình nhân giống và sản xuất thương phẩm một số giống lan Hoàng Thảo lai tại thành phố Bắc Ninh; sản xuất hoa chất lượng cao tại Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Gia Bình, Yên Phong… trung bình 1 năm trồng gần 2 triệu cây hoa lily, hàng chục ha hoa hồng, lay-ơn, loa kèn, đồng tiền, cúc các loại phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán và các ngày lễ… đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàng loạt các tiến bộ về giống lúa được chuyển giao, tính đến nay diện lúa lai, lúa hàng hóa chiếm khoảng 50% diện tích gieo cấy, góp phần nâng giá trị thu nhập trên đơn vị canh tác tăng, đưa năng suất lúa bình quân năm 2013 đạt 59,1 tạ/ha, cao hơn 0,8 tạ/ha so với năm 2012, thu nhập bình quân đạt 82 triệu đồng/ha/năm. Mô hình sản xuất và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu các loại, thu nhập đạt 500-600 triệu đồng/1000m2/vụ…

Trên cơ sở các kết quả đã đạt, tiến tới tỉnh tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với 3 loại sản phẩm gồm: vùng trồng cây cà rốt 540 ha tại các huyện Lương Tài 260ha, Gia Bình 280 ha; vùng trồng cây khoai tây 900ha và vùng trồng rau an toàn 50 ha. Đối với thủy sản, quy hoạch vùng cá rô phi đơn tính  50 ha. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời quy hoạch và triển khai ươm tạo doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Tiên Du.

Sự thành công của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã khẳng định vai trò, hiệu quả của khoa học công nghệ trong chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp. Đối với Bắc Ninh đang thực hiện những bước đầu trong chặng đường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ còn gặp những khó khăn và thử thách. Vì vậy, việc nghiên cứu, triển khai ứng dụng của từng mô hình sẽ là khâu quan trọng để tiến tới lựa chọn ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện canh tác của địa phương và nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường, tạo ra nhiều nông sản, thực phẩm chất lượng, an toàn.

Thái Uyên
Top