khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 16/05/2014 - 09:06

Chuyện kể trên dòng sông Lai Hạ

Trên con thuyền nhỏ xuôi dòng Lai Hạ, sóng nước mênh mông vỗ mạn thuyền, cảnh vật ven sông thanh bình, cuộc sống yên ả của người dân đôi bờ vẫn đang từng ngày tiếp nối, nảy nở.… Mấy ai biết được, dòng Lai Hạ chở bao huyền thoại, kỳ tích mà mỗi lần nhắc đến lại trào dâng niềm tự hào trong mỗi người dân nơi đây. Đó cũng là điều thôi thúc chúng tôi cố công tìm hiểu để biết thêm về lịch sử, văn hóa của vùng đất cổ Nam Đuống.

Kỳ I:  Ăm ắp huyền sử

Trong suốt chiều dài lịch sử từ cổ, trung, cận đại, dòng Lai Hạ đã lưu giữ bao dấu ấn và kỳ tích lịch sử mà tiền nhân gửi lại từ nghìn năm. Có không ít sự kiện lịch sử liên quan đến dòng sông, nhiều vua quan các triều đại phong kiến Việt Nam đã đi kinh lý trên sông này để hôm nay, người dân đôi bờ vẫn còn lưu giữ, truyền lại cho lớp trẻ những truyền thuyết, giai thoại, sự tích của bến bãi, di tích...

Những linh hồn đã hóa vào sông

Sông Lai Hạ còn gọi là Bái Giang, sông Ngụ, sông Khoai, sông Bưởi… chảy qua ba huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài. Chỉ một dòng chảy nhưng sông mang nhiều tên gọi khác nhau bởi lẽ xưa nay, khi chảy qua vùng đất nào thì người dân gọi tên sông theo các địa danh ở vùng đó. Như khi nó chảy qua Bưởi Nồi (Đại Bái) thì có tên là Bái Giang, chảy đến Nhân Thắng là sông Ngụ, sông Khoai, khi vòng sang đến Lai Hạ thì người dân ở đây gọi là sông Lai Hạ…

Từ cửa sông Lai Hạ, chúng tôi ngược dòng đến làng Mỹ Duệ, xã Phú Hòa (Lương Tài), các bô lão trong làng kể rằng, trên dòng sông Lai Hạ có truyền thuyết về một vị tướng triều vua Lê Đại Hành đã hóa ở đoạn sông Ngụ sau khi giúp vua dẹp yên quân Tống sang xâm lược nước ta lần thứ Nhất vào năm Tân Tỵ 981. Tương truyền, khi giặc Tống sang xâm lược, vua Lê Hoàn đích thân cử hành xa giá đi đánh giặc nhưng đến biển thì mưa gió nổi lên, sóng dâng mù mịt, thuyền của nhà vua không tiến lên được. Vua thấy lạ cho lập đàn cầu đảo nhưng sóng gió vẫn không ngớt. Vua lo lắng cấp tốc truyền hịch tìm người tài giỏi giúp vua đánh giặc. Lúc ấy, ở xã Hương Ái, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu có chàng thanh niên tên là Cự Công là người tinh thông võ nghệ, trí dũng siêu phàm, có thể vật trâu, đánh hổ, đi trên nước, trèo trên núi, hô mưa gọi gió, biến hóa vô cùng đã đích thân yết kiến nhà vua xin phụng mệnh cầm quân đánh giặc. Vua Lê thấy Cự Công là người tài đã ban cho ông chức Trấn Ba Đại Tướng và dẫn quân đánh giặc. Sau trận đánh lớn, quân giặc chết quá nửa phải lui quân. Thắng giặc Tống, Trấn Ba Đại Tướng Cự Công dẫn quân trở về qua đoạn sông Ngụ đoạn trang Nội Duệ, huyện Thiện Tài, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc nay thuộc thôn Mỹ Duệ, xã Phú Hòa (Lương Tài) thì tự nhiên sóng gió ầm ầm ập đến, nước sông dâng cao, Cự Công rẽ nước sông thành đường rồi tan vào trong nước. Khi sóng yên gió lặng, nhân dân trong làng chạy ra xem chỉ thấy mũ áo của Cự Công để lại trên bờ. Mọi người cho là việc lạ đem dâng tấu báo với triều đình. Vua Lê xót thương vị công thần có công lao với dân với nước đã phong cho ông là Thượng đẳng thần muôn đời thờ cúng, đồng thời chuẩn y, ban cho người dân ở trang Nội Duệ 30 quan tiền để lập miếu phụng thờ ngài…

 

Dấu tích thượng nguồn

Một số thư tịch cổ như Đồng Khánh địa dư chí, phần viết về tỉnh Bắc Ninh viết rằng, 6 nhánh của Lục Đầu giang gồm: “Đoạn trên là hợp lưu của ba sông Nhật Đức (PV- sông Thương), Nguyệt Đức (sông Cầu) và Thiên Đức (sông Đuống) đổ vào Hàm Giang (sông Thái Bình). Đoạn dưới là hợp  lưu của Lâu Giang (sông Kinh Thầy), dòng chính của Hàm Giang (sông Thái Bình) và Bái Giang (còn gọi sông Lai Hạ - nhánh của sông Thái Bình) nên gọi là sông Lục Đầu.

 

Dọc theo triền sông Lai Hạ, chúng tôi còn được nghe biết bao sự tích, huyền thoại khác: Làng Bá Giang, bãi Hà, bãi Sưa, làng Đò, vườn cò… về các món ăn đặc sản như: Bánh bột lọc, mía ze, chè buồm, bánh bỏng… Những địa danh bờ bãi, bến sông, tên làng, tên xóm cổ mà người dân đôi bờ vẫn nâng niu, gìn giữ như một phần không thể thiếu trong đời sống của mình để truyền lại cho các thế hệ sau biết về giá trị và ý nghĩa quan trọng của dòng sông quê hương. Ông Nguyễn Kim Tiến, thôn Cầu Đào, Nhân Thắng (Gia Bình) cho biết: Trong lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc, sông Lai Hạ là một tuyến giao thông đường thủy đặc biệt quan trọng, thông giữa kinh thành Thăng Long ra bãi Nguyệt Bàn- nơi diễn ra hội nghị Bình Than của vua quan nhà Trần trong lịch sử. Xưa kia, đây là tuyến giao thông huyết mạch, thông thương với biển và chở mạch nguồn văn hóa người Việt từ kinh đô đến khắp các làng xã trong khu vực. Đặc biệt, dòng Lai Hạ là con đường vận chuyển tiểu ngạch giữ một vai trò lịch sử khá quan trọng trong thời kỳ kháng chiến chống giặc phương Bắc xâm lược.

Không chỉ là dòng sông huyền thoại, Lai Hạ còn là dòng sông lịch sử. Chảy giữa vùng đất một thời lầm than, trong mưa bom lửa đạn những năm kháng chiến chống Pháp, dòng Lai Hạ đã chứng kiến bao trận càn quét, cướp bóc, thiêu đốt, triệt phá làng mạc. Sông oằn mình cùng nhân dân chiến đấu, gánh chịu bao mưa bom, bão đạn. Nhiều chiến sỹ cách mạng, du kích thôn Cầu Đào và các thôn, xã khác đã lấy dòng sông làm lá chắn để hoạt động. Các bô lão thôn Cầu Đào kể rằng, trước đây, mỗi lần giặc Pháp càn vào làng, du kích, tự vệ lại lội xuống sông để ẩn nấp hoặc phục kích giặc. Cũng có nhiều người đã anh dũng hy sinh trên dòng sông này. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Phan, người từ nhỏ đã gắn bó với dòng sông tâm sự: Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, nhiều đơn vị bộ đội vượt sông chiến đấu và không ít chiến sỹ đã hy sinh, mãi mãi nằm lại với dòng sông, trong đó có người bác ruột của tôi. Đó là những linh hồn đã hóa thành sông cho quê hương, đất nước được độc lập, tự do.
 
Chùa Ngụ (thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng, Gia Bình) nơi thờ cung phi Đặng Thị Loan.
 

Chuyện tình của hai bà phi

Trên dòng Lai Hạ ngồn ngộn những dấu tích lịch sử văn hóa mà đậm đặc nhất có lẽ là đoạn sông Ngụ. Trên khúc sông này đã ghi dấu hai cuộc tình đẹp và cao cả của hai bà phi. Bên này sông Ngụ là thôn Cầu Đào, xã Nhân Thắng-quê hương của bà Đặng Thị Loan, cung phi thứ năm của vua Trần Nhân Tông, còn bên kia sông là thôn Tỳ Điện, Phú Hòa (Lương Tài) - quê hương của bà Nguyễn Thị Kim, hoàng phi của vua Lê Chiêu Thống.

Các bậc bô lão thôn Cầu Đào kể rằng, một lần vua Trần Nhân Tông đi kinh lý trên sông Lai Hạ, khi qua làng Ngụ gặp đã người con gái trong làng dung nhan xinh đẹp, đoan trang lại hát hay tên là Đặng Thị Loan. Vua cho thuyền cập bến và đưa người con gái đó về làm cung phi. Bến sông mà vua ngự thuyền rồng nghe hát năm xưa bây giờ vẫn có tên là bến Quan hát. Là người đức độ, nhân hậu nhưng cung phi Đặng Thị Loan không có con nên bà đã xin nhà vua cho trở lại quê nhà. Khi về quê hương, bà mua đất xây chợ Ngụ, mở ra bến thuyền để dân thuận tiện đi lại làm ăn buôn bán. Bà còn dạy dân trồng dâu nuôi tằm, làm đồ gốm và làm bánh bột lọc. Ghi nhớ công ơn của bà, nhân dân Cầu Đào tạc tượng, lập đền thờ.

Người dân thôn Tỳ Điện vẫn kể chuyện tình của nàng Kim với vua Lê Chiêu Thống - một mối tình làm rung cảm người đời. Sử sách chép rằng: Sau khi quân Tây Sơn lấy ngôi khiến vua Lê bỏ chạy… Hoàng phi Nguyễn Thị Kim chạy sau nhưng bị đứt cầu phao không theo kịp, bà phải tìm cách về quê lánh nạn rồi cắt tóc cải trang ở chùa Dương Nham tỉnh Hải Dương (nay thuộc thôn An Đà phường Đằng Giang thành phố Hải Phòng). Năm 1792 con trai bị bệnh đậu mùa chết yểu. Năm 1793 vua Lê cũng qua đời. Đến tháng 2 năm 1804 các cận thần là Lê Quýnh, Nguyễn Quốc Đống… đưa linh cữu vua và hoàng tử về nước. Khi linh cữu về, hoàng phi lên tận cửa ải đón. Từ hôm đó bà mỗi ngày chỉ ăn hai bát cháo loãng cầm hơi. Ngày 12-10 các quan làm lễ thay hài cốt vua Lê sang tiểu mới. Hoàn tất phần mộ cho chồng và con, Hoàng phi đã uống thuốc độc chết theo. Dân gian kể rằng, lúc thay tiểu cho vua thấy trái tim vẫn không tan đến khi nước mắt hoàng phi rơi vào mới tan rữa.

Tiết nghĩa cao cả của hoàng phi và mối tình của bà với vua Lê Chiêu Thống không chỉ được người đương thời ca tụng mà người đời sau cũng luôn ghi nhớ. Ngày nay ở thôn Tỳ Điện có Am trinh nghĩa thờ Hoàng phi Nguyễn Thị Kim, trong đó còn giữ một số tấm bia đá của các triều đại sau này đã ngợi ca tấm lòng trong như ngọc giữ trọn tiết nghĩa của nàng Kim.

 

Hàn Thuyên làm văn đuổi cá sấu

Cách cửa sông Lai Hạ, ở làng Lai Hạ, xã Lai Hạ, huyện Lương Tài hiện có đền thờ danh nhân Hàn Thuyên, người được xem là ông tổ của chữ nôm. Tư liệu về cụ Hàn Thuyên không nhiều nhưng lại viết khá rõ về việc cụ làm văn đuổi cá sấu. Đó là vào năm 1282, dưới triều vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên đang giữ chức Hình Bộ Thượng Thư theo vua đến sông Phú Lương thì gặp cá sấu nổi lên trước thuyền. Vua sai Nguyễn Thuyên làm văn vứt xuống sông và cá sấu bỏ đi. Vua Trần cho rằng việc này thật giống với Hàn Vũ đời Đường bên Trung Quốc nên đã ban cho ông họ Hàn. Từ đó, Nguyễn Thuyên đổi thành Hàn Thuyên.

 

Kỳ tới: Sông không già: Nếu Tiêu Tương huyền thoại đã cạn dòng chỉ còn trong huyền sử và trong ký ức của người dân vùng Bắc Đuống thì dòng Lai Hạ - một chứng nhân lịch sử của miền đất cổ mấy nghìn năm vẫn như một dải lụa xanh mềm mại chảy mênh mang giữa lòng đất lòng người vùng Nam Đuống.

Lê Đại – Thuận Cẩm
Top