khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 22/05/2014 - 09:40

Nhớ những ngày giáp hạt

Những năm tám mươi của thế kỉ 20, đất nước còn muôn vàn khó khăn, người nông dân vùng đồng bằng Bắc bộ, những người làm ra hạt gạo củ khoai mà cứ sau Tết Nguyên đán lại phải chạy lo từng bữa, phải bữa cơm bữa cháo, phải chịu cảnh đói quay đói quắt.

 Bây giờ thế hệ trẻ không biết khái niệm mùa giáp hạt là gì. Như ngày xưa, giáp hạt thường đến từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch. Khoảng thời gian đó là khi những hạt thóc của vụ mùa đã hết, ngoài đồng những cây mạ vừa mới cấy, phải đợi đến tháng tư may ra mới có thóc mới. Nhà tôi và nhà hàng xóm của tôi ở thị xã, gần bến tàu, bến xe, cứ sau Tết, nhiều bà con ở quê lại lên ngủ nhờ để sáng hôm sau ra tàu sớm, lên miền ngược mua sắn, mua khoai về chống đói.

Hành trang của những người dân quê là đòn gánh quảy hai đầu hai cái bao tải gai để đựng sắn khoai khi mua được. Có người còn mang theo mâm đồng, nồi đồng để lên đổi lấy lương thực về nuôi nhà cho qua cơn thiếu đói. Ra giêng, trời vẫn rét, để chống lại cái lạnh của miền ngược, họ được bao bọc bằng một mớ áo nâu, áo xanh theo thứ tự từ rách đến lành. Trông ai cũng lù xù, béo ra nhờ quần áo. Nhưng nhìn bộ mặt xanh gầy, hốc hác của họ, không giấu được một thân hình thiếu ăn, suy dinh dưỡng.

Tôi dạy học ở trường quản lí giáo dục của tỉnh. Từng năm học nhà trường có nhiệm vụ làm công tác bồi dưỡng nghiệp vụ quản lí cho  Hiệu trưởng, Hiệu phó các trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở của các huyện, thị xã trong tỉnh. Gần gũi với họ, nghe họ chia sẻ nhiều khi cũng thấy buồn vì sự đói nghèo của các nhà giáo.

Một thầy giáo Hiệu trưởng kể với tôi: Chủ nhật về nhà thăm vợ con, vợ anh làm nông nghiệp, tranh thủ ngày nghỉ, hai vợ chồng lên đồi cuốc đất trồng sắn. Đến chiều chia tay vợ đến trường học bằng một bữa cơm hai phần sắn, một phần gạo. Nhìn đàn con xanh xao, anh không thể nào an lòng để học tập.

Các thầy cô giáo ở địa bàn nông thôn thời ấy được mệnh danh là những người nông dân có nghề phụ dạy học. Ngoài đồng lương ít ỏi, ngoài 13 kg gạo hàng tháng, đời sống của họ tạm ổn định hơn người nông dân một tí. Sau giờ lên lớp họ cũng còng lưng cày cuốc để nuôi gia đình. Đến mùa giáp hạt họ cũng chịu chung số phận về sự thiếu đói.

Nhà nước không có gạo bán, kể cả gạo hẩm. Thế là khẩu phần lương thực được thay thế bằng bột mì, sắn, ngô. Có lúc đến các loại lương thực ấy không đủ bán, cửa hàng lương thực lại qui số gạo hàng tháng của giáo viên thành… phân đạm. Thế là các nhà giáo đành mua phân đạm thay gạo để đưa ra chợ bán cho nông dân lấy tiền mua gạo, mua khoai.

Có một chuyện cười ra nước mắt đó là một số người đi ăn xin, mùa giáp hạt vào các làng giỏi lắm người ta cũng cho vài củ khoai chứ làm gì có tiền, có gạo. Đám người ăn xin ấy không thể mang khoai lang về quê xa được. Thế là họ dồn lại, vào phòng giáo dục huyện bán cho các thầy giáo. Các nhà giáo mình thì phấn khởi vì mua được khoai giá mềm góp vào bữa cơm cho vợ con, còn mấy bà ăn xin thì có thêm khoản tiền về quê. Cả hai cùng có lợi.

Thời ấy nhiều trường học có khá đông giáo viên trẻ ở tại khu tập thể của trường. Sau buổi dạy học chiều, chờ cho học sinh về hết, các cô giáo trẻ rủ nhau ra bờ ruộng hái rau má, rau lang để độn vào bữa ăn cho đỡ đói. Hôm sau lên lớp giảng bài thấy học sinh cười khúc khích cô giáo không hiểu chúng cười gì. Cô hỏi em lớp trưởng lí do, cậu lớp trưởng thật thà, bảo: “Chúng em biết cô chiều qua đi hái rau lang về ăn, vì khi viết bảng nhìn thấy móng tay cô còn bám nhựa rau lang ạ”.

Những học trò nhỏ cứ tưởng nhà giáo là cái gì đó cao sang lắm. Chúng đâu ngờ các cô giáo của chúng cũng đói, cũng thiếu ăn. Lúc đó cô giáo cũng thấy bối rối. Nhưng nhờ cái móng tay bám nhựa khoai lang của cô mà đến chiều, cậu lớp trưởng ấy cùng mấy bạn khiêng khệ nệ một bao khoai lang đến tặng các cô giáo. Có thêm củ khoai cũng ấm lòng cho những giờ lên lớp trong mùa giáp hạt.

Giờ đây, đất nước đã đổi mới, cuộc sống của người nông dân và nhà giáo đã no đủ hơn, không còn những ngày giáp hạt. Bây giờ người ta gọi là bữa ăn chứ không ai bảo bữa cơm như ngày xưa. Nhưng cũng có khi cần ôn nghèo kể khổ một chút để thế hệ trẻ hiện tại hiểu biết thêm một thời gian khổ của người nông dân của nhà giáo đã phải gồng mình vượt qua những mùa giáp hạt.

Nguyễn Đình Tùng
Top