khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 23/05/2014 - 10:31

Đặt tên đường, phố - Một cách giáo dục truyền thống

Tên đường phố không đơn thuần để thuận tiện trong công tác quản lý đô thị hoặc trong cách gọi tên và nhận biết địa chỉ giao dịch mà còn tích hợp nhiều giá trị văn hóa lịch sử truyền thống tiêu biểu của một vùng đất hay một dân tộc. Ở nước ta, việc đặt tên đường phố theo tên các danh nhân có công lớn đối với quê hương, đất nước hoặc những sự kiện lịch sử quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước mang ý nghĩa thiết thực trong việc giáo dục truyền thống, tình yêu và lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

7 đường và 4 phố ở Thuận Thành được đặt tên mới

Sau một quá trình thẩm định, khảo sát đánh giá kỹ lưỡng dựa trên ngân hàng dữ liệu tên các địa danh, danh nhân do huyện Thuận Thành xây dựng và đề xuất, mới đây UBND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án đặt tên đường, tên phố thị trấn Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (giai đoạn 1). Theo đó, đặt tên mới cho 7 tuyến đường là: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, Hai Bà Trưng, Siêu Loại, Thiên Đức, Vương Văn Trà và 4 tuyến phố là: Nguyễn Chí Tố, Nguyễn Quang Bật, Dương Như Châu, Nguyễn Cư Đạo. Lý do sử dụng những tên này để đặt tên đường phố tại thị trấn Hồ bởi đó là tên các địa danh, danh nhân có sự gắn bó mật thiết và mang ý nghĩa quan trọng trong tâm thức người dân Thuận Thành nói chung và người dân thị trấn Hồ nói riêng.

Theo phân loại, tên địa danh có Thiên Đức do vua Lý Thái Tổ khi lên ngôi đã đổi tên đất Cổ Pháp thành phủ Thiên Đức, và đổi tên sông Bắc Giang cổ thành sông Thiên Đức, đến thời Nguyễn đổi thành sông Luống (gọi chệch âm là sông Đuống); Siêu Loại là tên hương, tên huyện trước đây do vua Lý Thánh Tông đặt có nghĩa là loại đặc biệt nhưng sau năm 1945 gọi là phủ Thuận Thành rồi đến huyện Thuận Thành.

Các anh hùng dân tộc và danh nhân lịch sử có Kinh Dương Vương là Thủy tổ dân tộc mà đất Thuận Thành vinh dự có mộ phần của ông hiện ở làng Á Lữ, xã Đại Đồng Thành; Lạc Long Quân và Âu Cơ là hình tượng cha rồng mẹ tiên cao quý, phản ánh nguồn gốc người Việt sinh ra cùng một bọc vẫn được các thế hệ người dân Thuận Thành thờ phụng tại nhiều di tích; Hai Bà Trưng là anh hùng dân tộc đã phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi thái thú Tô Định ở thành Luy Lâu và những trận đánh quyết định của hai Bà đã xảy ra ở vùng phụ cận. Hiện ở vùng Dâu, Thuận Thành ngày nay vẫn thờ các vị tướng của Hai Bà Trưng.

Tên các danh nhân khoa bảng tiêu biểu là: Nguyễn Quang Bật quê ở Thường Vũ, An Bình là Trạng nguyên khoa thi năm 1484 đời vua Lê Thánh Tông, sau đó được giữ chức Hàn lâm viện thị thư, được tham gia hội Tao Đàn làm sách Quỳnh uyển cửu ca; Dương Như Châu là người làng Lạc Thổ, đỗ đầu kỳ thi đình năm 1466 đời vua Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Hàn lâm viện Tri chế cáo; Nguyễn Cư Đạo là người làng Đông Côi, đỗ Tiến sỹ năm 1442 đời vua Lê Thái Tông cùng khoa với nhà sử học Ngô Sỹ Liên được vua tín nhiệm giao làm khảo quan kỳ thi tiến sỹ năm 1466 và lĩnh thêm chức Tả xuân phường thái tử là một nhà giáo tiêu biểu dạy học cho thái tử và làm quan đến chức Thượng thư Bộ hộ.

Các anh hùng lực lượng vũ trang là: Vương Văn Trà là Anh hùng Liệt sỹ, quê ở Lạc Thổ, thị trấn Hồ, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Thiên Đức; Nguyễn Chí Tố quê ở Đạo Tú, Song Hồ, trước khi hy sinh là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến huyện Tiên Du.

Bảo đảm tính chặt chẽ, nghiêm túc

Việc đặt tên đường, tên phố phải bảo đảm tính chặt chẽ, công khai, dân chủ vì thế trước khi trình đề án lên HĐND luôn có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia, các ban, ngành, đoàn thể cũng như người dân địa phương. Ông Lê Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thuận Thành cho biết: Để có cơ sở thiết lập ngân hàng dữ liệu, phòng Văn hóa - Thông tin đã tổ chức nhiều buổi thảo luận, thu thập thông tin từ các đơn vị chuyên môn cũng như lấy ý kiến nhân dân ở các khu dân cư có tuyến đường, phố đề nghị đặt tên. Qua đó, chúng tôi đã cung cấp, đề xuất tên các nhân vật lịch sử, tên danh nhân tiêu biểu của địa phương bảo đảm chính xác, công bằng khi đánh giá công trạng của các danh nhân, tránh tình trạng nhầm lẫn hoặc bỏ sót, dẫn đến làm giảm ý nghĩa giáo dục truyền thống.

Đặt tên đường, tên phố ở thị trấn Hồ là việc làm cần thiết bởi đây là một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Thuận Thành. Những năm qua, thị trấn Hồ đã có những bước phát triển tốt, hệ thống công trình cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn chỉnh, các tuyến đường nội thị ngày một khang trang với nhiều khu nhà được xây mới. Tuy vậy, người dân ở đây vẫn gọi tên đường, tên phố theo thói quen, chưa được đặt tên một cách khoa học, thậm chí còn có một số tuyến đường mang những ký hiệu khó hiểu như: HL1, HL2… khiến những người đi đường, nhất là người nơi khác đến gặp nhiều khó khăn khi tìm địa chỉ.

Do vậy, đề án đặt tên đường tên phố thị trấn Hồ đã góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa, xã hội đồng thời còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống sâu sắc, nhân lên tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc trong các thế hệ về những danh nhân, anh hùng, các địa danh, sự kiện lịch sử tiêu biểu… Và còn phù hợp với quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định, thị trấn Hồ sẽ phát triển thành đô thị loại IV, đô thị vệ tinh phía Nam sông Đuống.

Bài, ảnh: T.C
Top