Trao đổi với ông Trần Mạnh Hòa, Trưởng phòng Quản lý vận tải- ATGT, Sở Giao thông- Vận tải tỉnh được biết: Ngay từ đầu năm, công tác quản lý hoạt động vận tải được Sở Giao thông- Vận tải triển khai mạnh mẽ. Điển hình là Kế hoạch số 368/KH-SGTVT về việc tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn tỉnh thông qua thiết bị giám sát hành trình và yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong toàn tỉnh ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, không chở quá tải, không cơi nới thành xe khi vận chuyển hàng hóa, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tai nạn xuống mức thấp nhất ở loại hình phương tiện này.
Theo thống kê, toàn tỉnh có 3 doanh nghiệp kinh doanh vận tải bằng xe contener, với gần 30 phương tiện và 5 doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo tuyến cố định với gần 20 phương tiện. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp vận tải san lấp mặt bằng, vật liệu xây dựng... như Công ty TNHH Mạnh Huyền, Công ty
Bắc Ninh có 3 tuyến Quốc lộ trọng điểm đi qua nên lượng xe tải nặng lưu thông rất lớn, nếu không có sự kiểm soát chặt sẽ khiến trật tự ATGT, an toàn xã hội diễn biến khó lường. Từ cuối năm 2013, Ban ATGT tỉnh đã thành lập tổ kiểm tra và tiến hành thanh, kiểm tra, kiểm soát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải toàn tỉnh. Công tác kiểm tra tập trung vào việc thực hiện thiết bị giám sát hành trình xe của doanh nghiệp; xe quá khổ, quá tải; xe bị cơi nới và công tác đăng kiểm các loại phương tiện... để chấn chỉnh hoạt động vận tải cả về hành khách và hàng hóa.
Lực lượng Thanh tra giao thông, Sở Giao thông- Vận tải tỉnh thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách quá mức quy định nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm ở loại hình phương tiện này. Đặc biệt là việc kiểm tra tải trọng xe được thực hiện nghiêm ngặt và có hiệu quả từ ngày 1-4 đến nay đã dần đưa hoạt động vận tải đi vào ổn định. Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành khảo sát vị trí để lắp đặt trạm cân lưu động trên các tuyến đường trọng điểm trong tỉnh, đồng thời lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT duy trì kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ ở tất cả các ngày trong tuần, kiên quyết xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm về quá tải trọng, nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông và bảo vệ hạ tầng giao thông.
Siết chặt hoạt động vận tải đang được các cấp, ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể hưởng ứng tích cực, không những mang lại sự an toàn cho người tham gia giao thông mà còn góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ cầu, cống, đường sá. Việc lắp đặt trạm cân lưu động được coi là giải pháp mạnh nhằm thiết lập lại trật tự hoạt động vận tải, góp phần đưa trật tự ATGT vào nền nếp một cách vững chắc.
Trạm cân lưu động đã vận hành tốt
(Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh thanh tra, Sở Giao thông- Vận tải tỉnh)
Sau gần 2 tháng đưa vào vận hành trạm cân lưu động, mặc dù có lúc còn bị lỗi đường truyền, trục trặc về kỹ thuật..., song đến nay trạm cân hoạt động vào guồng và cho kết quả khả quan. Chúng tôi đang phối hợp với Phòng CSGT, Công an tỉnh, một số lực lượng chức năng khác kiểm soát có hiệu quả các hành vi vi phạm về tải trọng xe.
Nếu như ở thời gian trước, lái xe có biểu hiện trốn tránh lực lượng thực thi nhiệm vụ thì nay hoạt động vận tải cơ bản trở lại bình thường. Điều đáng mừng là hiện tượng vi phạm quá tải, vi phạm tốc độ ở loại hình xe tải nặng đã giảm hẳn. Công tác kiểm soát tải trọng xe sẽ tiếp tục được thực hiện thường xuyên, liên tục từ nay đến hết năm, nhằm đưa hoạt động vận tải vào nền nếp, góp phần bảo đảm ATGT và bảo vệ hạ tầng giao thông.
Yêu cầu lái xe phải chấp hành nghiêm Luật
(Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh)
Trung bình mỗi ngày, đơn vị có hàng chục xe vận chuyển hàng hóa thực phẩm đi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. Yếu tố quan trọng hàng đầu mà doanh nghiệp đặt ra là phải bảo đảm an toàn cho người và hàng hóa khi lưu thông trên đường. Thời điểm này, cả xã hội vào cuộc để kiểm soát tải trọng xe, giúp chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về bảo đảm ATGT và bắt buộc lái xe cũng như doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông, nhất là việc chở đúng khối lượng hàng hóa theo quy định của từng loại phương tiện.
Chúng tôi luôn yêu cầu đội ngũ lái xe phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông, nếu lái xe để xảy ra lỗi vi phạm Luật Giao thông bị lực lượng chức năng xử lý thì lái xe đó cũng phải chịu trách nhiệm trước doanh nghiệp. Ngoài ra, tất cả xe chuyên chở hàng hóa đều được lắp đặt định vị hành trình xe chạy để doanh nghiệp dễ theo dõi và kiểm soát. Đến nay, chưa có lái xe nào vi phạm chở quá trọng tải quy định.
Lái xe chịu sức ép của chủ doanh nghiệp
(Lái xe Tạ Văn Quyết, ở Thanh Miện, Hải Dương)
Ngay trong ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm kiểm soát tải trọng xe, tôi đã bị xử lý vi phạm chở quá trọng tải theo quy định. Thực tế thì tôi cũng như nhiều lái xe khác đều hiểu và nắm rất chắc các quy tắc của Luật Giao thông đường bộ, nhưng chúng tôi chỉ là lái xe thuê cho doanh nghiệp nên không thể chủ động được khối lượng hàng hóa trên xe.
Nhiều khi biết quá tải nhưng doanh nghiệp ép, bắt buộc chúng tôi vẫn phải chở. Chúng tôi chịu nhiều sức ép từ phía doanh nghiệp nên rất khó chấp hành đúng Luật Giao thông. Nhiều khi đó còn là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cho chính bản thân chúng tôi.