khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 27/05/2014 - 08:50

Tìm về lời ru

Lần đầu tiên tổ chức, Hội thi hát ru và hát dân ca năm 2014 nhận được sự ủng hộ và hiệu ứng mạnh mẽ. Dư âm của những giai điệu quê hương, những câu ca dao ngọt ngào như còn vang vọng mãi, nhắc nhở mỗi chúng ta phải có bổn phận giữ gìn tiếng hát ngàn đời của dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nhấn mạnh: Với mục đích tạo một sân chơi cho loại hình dân ca đang có nguy cơ mai một, Hội thi hát ru và hát dân ca do Hội LHPN tỉnh tổ chức khơi dậy và cổ vũ phong trào và thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ tuổi, tạo điều kiện cho chị em được giao lưu, tìm hiểu những nét độc đáo của văn hóa cổ truyền dân tộc.

11 đội tiêu biểu dự thi được lựa chọn từ kết quả hội thi cấp cơ sở, đại diện cho 8 huyện, thị, thành phố, nữ công LĐLĐ tỉnh, Công an và Quân sự tỉnh đã mang đến cho sân khấu những sắc màu âm nhạc của dân ca 3 miền. Từ những lời ru chứa chan tình yêu của mẹ dành cho con hay lời ca trữ tình ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, câu hát Quan họ giao duyên của tình yêu đôi lứa… đều được thể hiện một cách đặc sắc với nhiều tiết mục được dàn dựng bài bản, công phu từ đạo cụ, phong cách biểu diễn đến hóa trang.
 

Tiết mục dự thi của đoàn Quế Võ.

 

Thông qua các các tiết mục khéo léo lồng ghép tuyên truyền nhiệm vụ công tác Hội như: xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, gắn liền công tác phòng chống TNXH, HIV/AIDS, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và mắc TNXH, ca ngợi truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tuyên truyền các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước…

Âm hưởng vang lên trong hội thi là những khúc hát ru, hát dặm, hát then đến hát chèo, hát xẩm, đặc biệt là dân ca Quan họ Bắc Ninh - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Gây xúc động mạnh mẽ và nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ khán giả là những hoạt cảnh nhớ lại thời thơ ấu, tâm hồn được tắm mát và nuôi dưỡng bằng lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ. Chính những lời ru được chắt chiu bằng tình yêu thương đó là bến neo đậu của tâm hồn, là điểm tựa trong tiềm thức để mỗi người nhớ về, nhất là khi phải trải qua những biến cố thăng trầm trong cuộc đời. Chị Trần Thị Thúy Nga (33 tuổi), thị trấn Hồ, Thuận Thành, phát huy năng khiếu và thế mạnh của giáo viên dạy nhạc, đã thể hiện rất ngọt vai diễn người vợ trong tiểu phẩm “Xin đừng quên lãng”. Người vợ trong tiểu phẩm đã làm thay đổi nhận thức của người chồng mải mê kiếm tiền về tình yêu gia đình bằng những câu  dân ca, khi thì ru con Nam Bộ, lúc thì câu hát giận mà thương dân ca Nghệ Tĩnh… Chị chia sẻ thêm: Khi vào vai diễn này, tôi diễn bằng cảm xúc thật của mình, của một người vợ, người mẹ đang nuôi con nhỏ. Mỗi lần cất lên tiếng hát, tôi lại nhớ về mẹ, nhớ quê, nhớ tuổi thơ của mình. Ở trường, trong các tiết học, tôi cũng thường xuyên dạy các em hát dân ca. Nhiều học trò của tôi hát rất hay và thuộc nhiều bài dân ca, nhất là các bài Dân ca Quan họ quê mình.

Bà Trần Thị Hằng (69 tuổi), Thuận Thành cho biết: Ai cũng có tuổi thơ gắn liền với những lời ru êm đềm, ngọt ngào của bà, của mẹ. Đó là tình yêu, là mạch nguồn của sự sống, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Ngay từ thủa lọt lòng, tôi được nghe bà hát ru bằng những điệu dân ca. Giờ tôi lại ru cháu bằng những lời ru ấy. Tôi đến đây, vừa muốn nghe lại những lời hát từ thủa bé, vừa cổ vũ cho 2 đứa cháu đi thi, con chúng nó mới 7 tháng vẫn cố gắng tham gia cùng các chị em. Thấy các con, các cháu vẫn thuộc nhiều bài dân ca, tôi phấn khởi lắm. Bài hát ru và dân ca nếu được đưa vào nhiều hội thi như thế này sẽ được các thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn và không sợ bị mai một nữa.

Hội thi hát ru và hát dân ca năm 2014 đã giúp cho các chị em phụ nữ, phát huy được tiềm năng, thế mạnh và sự sáng tạo trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tìm về lời ru êm đềm của bà, của mẹ nhắc nhở mỗi chúng ta, giáo dục con trẻ tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, giữ gìn di sản quý báu cha ông truyền lại.

Bài, ảnh: Hải Đường
Top