khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 03/06/2014 - 08:56

Cần có giải pháp chủ động, kịp thời ứng phó với các tác động tiêu cực đến nền kinh tế

LTS: Hôm qua 2-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và triển khai kế hoạch năm 2014 theo Nghị quyết của Quốc hội. Đã có nhiều lượt đại biểu tham gia thảo luận. Báo Bắc Ninh lược trích phát biểu của đại biểu Đỗ Thị Huyền Tâm của Đoàn Bắc Ninh.

Về đánh giá bổ sung tình hình năm 2013, tôi tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội. Trong hoàn cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn tiếp tục khó khăn, năm 2013 đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt, là cố gắng lớn của cả hệ thống

chính trị, việc đạt một số chỉ tiêu an sinh xã hội đã làm tăng niềm tin của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn còn 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 2 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng GDP và tạo việc làm.

Chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực điều hành linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, nhất là trong một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực như: Giao thông vận tải, ngân hàng, đối ngoại, an sinh xã hội. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, chứa đựng nhiều rủi ro. Kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc, nhiều cơ chế chính sách tháo gỡ khó  khăn cho sản xuất kinh doanh chậm đi vào cuộc sống; thị trường bất động sản phục hồi chậm, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu…

Về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014, tôi tán thành với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế trình bày trước Quốc hội. Những kết quả đạt được những tháng đầu năm là tích cực. Nổi lên khó khăn có thể tác động đến nền kinh tế nước ta hiện nay là liên quan đến tình hình biển Đông trước việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã phản đối mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích chính đáng phù hợp với luật pháp quốc tế. Với tinh thần yêu chuộng hòa bình, tình đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước Việt-Trung, cử tri và nhân dân cả nước tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước… Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải đề cao tinh thần cảnh giác hơn nữa, nắm bắt diễn biến, theo dõi thông tin để có giải pháp chủ động, kịp thời ứng phó với các tác động tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta.

Tôi nhất trí cao với các nhóm giải pháp của Chính phủ cùng với việc điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng hợp lý. Tôi xin đề nghị tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực ở mức cao nhất. Thực hiện mạnh, thực chất hơn cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo nguyên tắc thị trường và kế hoạch đã được phê duyệt cho từng bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế trong năm 2014, 2015. Nguồn lực nhà nước cần được tập trung khai thác, sử dụng có hiệu quả, không để thất thoát, lãng phí.

Hai là, trong khi kinh tế nhà nước tiếp tục vẫn còn gặp khó khăn, hiệu quả kinh tế thấp thì cần tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực. Chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam mới ra đời trong vài năm nay xong còn thiếu nhiều ưu đãi, khuyến khích cụ thể. Đề nghị sớm có hệ thống chính sách đồng bộ để khai thác tiềm năng của nước ta trong lĩnh vực này.

Ba là, trong điều kiện kinh tế chưa ổn định, bền vững thì cần quan tâm hơn nữa tới lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Thực hiện mạnh mẽ, toàn diện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả, tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, ưu tiên nguồn lực và huy động toàn xã hội tham gia thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cuối cùng là nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn, biên giới, hải đảo. Tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa đến phát triển kinh tế biển, cùng với sự hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển và kiểm ngư để bà con ngư dân yên tâm bám biển làm ăn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đỗ Thị Huyền Tâm
Top