khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 05/06/2014 - 09:37

Nhất trí thành lập TAND sơ thẩm khu vực

(Lược trích phát biểu của đại biểu Nguyễn Trọng Trường, Đoàn ĐBQH Bắc Ninh tại phiên thảo luận của Quốc hội góp ý xây dựng Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) ngày 3-6)

Sau khi nghiên cứu tôi thấy dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi) đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc để phù hợp với Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua. Tôi xin đóng góp một số nội dung sau:

1. Về nhiệm vụ, quyền hạn của TAND sơ thẩm (Điều 32 dự thảo).

Tôi tán thành với phương án 1 như đã được thể hiện trong dự thảo về việc thành lập TAND sơ thẩm khu vực vì:

Thứ nhất: Hiện nay, do tổ chức theo đơn vị hành chính nên số lượng các TAND cấp huyện rất lớn và có xu hướng tăng lên do có sự chia, tách, thành lập mới các đơn vị hành chính cấp huyện. Trong khi số lượng vụ việc phải giải quyết của mỗi tòa án cấp huyện lại khác nhau do đặc điểm dân số, mức độ phát triển kinh tế-xã hội, có nơi quá nhiều việc, có nơi lại quá ít việc. Do đó đã tạo ra khó khăn, thách thức lớn trong đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường nguồn lực để kiện toàn, nâng cao năng lực và chất lượng công tác của TAND cấp huyện.

Thứ hai: Do được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp huyện nên TAND cấp huyện được coi như một đơn vị chức năng thuộc cấp huyện, chưa bảo đảm đúng địa vị pháp lý của Tòa án được ghi nhận trong Hiến pháp, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án, nhất là trong việc giải quyết các vụ án hành chính, khi một bên trong vụ án là cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước. Hơn nữa cơ cấu tổ chức bộ máy của TAND cấp huyện hiện nay còn đơn giản, không có các tòa chuyên trách nên ảnh hưởng đến chất lượng xét xử, đặc biệt là những vụ việc đòi hỏi chuyên môn sâu và những kỹ năng nghiệp vụ đặc thù như các vụ việc về đất đai, kinh doanh thương mại, các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên.

2. Về việc thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân sơ thẩm (khoản 1 Điều 33 dự thảo).

Tôi nhất trí với quy định trong cơ cấu tổ chức của TAND sơ thẩm có Tòa giản lược để thực hiện nhiệm vụ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc vì:

Một là: Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay trong hệ thống TAND chưa có Tòa chuyên trách hoặc những thẩm phán chuyên trách được giao nhiệm vụ xem xét áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 20-1-2014. Theo quy định của Pháp lệnh này thì việc xem xét áp dụng các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do một thẩm phán của TAND cấp huyện thực hiện.

Hai là: Theo kết quả tổng kết thực tiễn thi hành các quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc từ năm 2003 - 2013 thì số việc trung bình mỗi năm khoảng 24.000 trường hợp. Bên cạnh đó theo quy định của Pháp lệnh trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp hành chính thì hàng năm Tòa án còn phải thực hiện việc xem xét hoãn, miễn, tạm đình chỉ, đình chỉ, giảm thời hạn chấp hành đối với người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Ba là: Theo định hướng xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đến năm 2020 thì ngoài các biện pháp xử lý hành chính đã được chuyển giao cho Tòa án xem xét, quyết định thì Tòa án sẽ còn tiếp tục được giao thêm thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính khác, đặc biệt là việc áp dụng các biện pháp xử lý và xử phạt hành chính mang tính cưỡng chế nhà nước, trực tiếp ảnh hưởng đến quyền cơ bản của công dân, nhằm tăng cường tính dân chủ, công khai, minh bạch, khắc phục tình trạng đơn phương quyết định của các cơ quan hành chính trước đây, phù hợp với công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự.

Trước khối lượng lớn các công việc như trên đòi hỏi ở TAND sơ thẩm phải có sự phân công công việc hợp lý theo hướng phải có một Tòa chuyên trách để giải quyết thì mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thời hạn giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Bốn là: Việc xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án là một loại việc mà ở đó Tòa án quyết định việc áp dụng chế tài hay biện pháp mang tính cưỡng chế của nhà nước đối với người vi phạm pháp luật, trong khi đó việc giải quyết các vụ án hành chính là việc Tòa án giải quyết các khiếu kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với quyết định về hành vi hành chính theo quy định của luật tố tụng hành chính. Mặt khác, việc giao cho Tòa hành chính áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại TAND sẽ ảnh hưởng đến việc phân công công việc theo hướng chuyên môn hóa nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án. Hiện nay Tòa hành chính đang phải giải quyết một số lượng lớn vụ án hành chính và tiếp tục có xu hướng tăng theo quy định của Luật tố tụng hành chính. Bởi vậy, nếu giao thêm cho Tòa hành chính thẩm quyền xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân sẽ không hợp lý và không khả thi.

P.V
Top