khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ sáu, 06/06/2014 - 07:37

Về sông Dâu

Tạo nên bề dày văn hóa dân tộc Việt Nam có sự góp phần không nhỏ của những dòng sông. Đối với miền đất Bắc Ninh văn hiến, những con sông luôn hiện hữu và gắn liền với đời sống vật chất cũng như tinh thần của biết bao thế hệ người dân thì nay đều đã biến dạng, có dòng sông chỉ còn trong hoài niệm, có sông đã biến thành làng mạc, ruộng vườn hoặc nếu còn thì chỉ là “dòng sông chết”. Sông Dâu ở Thuận Thành hiện nay cũng đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.…

Bến Vọng Giang Lâu trước thành Luy Lâu bây giờ.

 

Vào thời Bắc thuộc, các chi lưu sông Hồng giữ vai trò vô cùng quan trọng. Dòng sông Đuống, sông Dâu, sông Tiêu Tương chắc chắn xưa phải rộng lắm mới có thể là con đường huyết mạch thông ra biển lớn giao lưu với thế giới văn minh Ấn Độ. Các kết quả nghiên cứu cho thấy sông Dâu giữ một vai trò quan trọng hàng đầu về nguồn nước và giao thông đường thủy. Sông Dâu vốn là một sông lớn, là nhánh của sông Hồng chảy qua Đình Bảng, xuống Phật Tích rồi về Dâu tạo thành hào phía Tây thành Luy Lâu, sau đó đổ xuống Hà Mãn, Cửu Yên rẽ sang Cẩm Giàng, Gia Bình, Lương Tài đổ ra sông Thái Bình để ra biển Đông. Theo các nhà sử học Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn và Lương Ninh đã viết trong cuốn Lịch sử Việt Nam thì “Trung tâm Luy Lâu có thể được hình thành do sự viếng thăm của những thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ theo thuyền mà tới bằng đường biển và đường sông”. Bởi vậy, sông Dâu chính là tuyến đường thủy huyết mạch giúp mở ra các làng nghề, làng buôn bao quanh khu đô thị cổ Luy Lâu và đưa Luy Lâu trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của nước ta suốt ngàn năm Bắc thuộc.

 

 Một đoạn còn chảy của dòng sông Dâu cổ.

 

Người dân vùng Dâu-Luy Lâu truyền lại: Sông Dâu cổ vốn là tuyến đường thủy sầm uất thông thương ra tận biển. Các làng Công Hà, Trà Lâm, Tư Thế bây giờ đều là lòng sông Dâu thuở trước. Đời nhà Trần, Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đã cho xây cầu chín nhịp bắc qua sông. Thế nên, sông Dâu xưa hẳn là phải rộng lắm. Chính các nhà truyền giáo Ấn Độ cũng đi đường biển rồi theo sông Dâu để truyền bá đạo Phật vào Việt Nam từ buổi đầu Công nguyên. Vì thế mà nay dân gian vẫn còn truyền tụng: “Lênh đênh ba bốn chiếc thuyền kề/ Chiếc ra bãi bể, chiếc về sông Dâu”. Lại có câu: Thuyền em ngược bến sông Dâu/ Buôn chè mạn Thái còn lâu mới về...

Khúc sông sầm uất nhộn nhịp thuở xa xưa bây giờ là một con mương nhỏ cạn nước. Cầu chín nhịp bắc qua sông nay chỉ còn một nhịp. Bến Vọng Giang Lâu trước thành Luy Lâu một thời tấp nập thuyền ngược thuyền xuôi trao đổi hàng hóa thì cũng đã thành đường phố với những dãy nhà cao tầng san sát. Bỗng nhớ câu thơ ai đó viết “Chạnh lòng một kiếp sông Dâu/ Trầm mặc cố đô xa vắng”. Đời sống một con sông có lẽ chỉ đến thế. Nhưng dẫu thế nào, dòng sông Dâu vẫn còn chảy mãi, sống mãi trong tâm thức dân gian qua những giai thoại lịch sử của bà của mẹ thủ thỉ truyền cho con cháu hằng đêm về nàng Man Nương tung dải yếm cột tình mẫu tử; về tượng Phật Tứ Pháp; về vùng đất mà cụ Đào Duy Anh đã xem như “cái ổ để từ đó người Việt Nam tràn xuống chiếm lĩnh miền trung châu” và về những bến bãi, di tích còn ghi đậm chiến công oanh liệt của Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa trong những ngày đầu Công nguyên đã khiến giặc phương Bắc hoảng sợ và tên thái thú Tô Định khiếp vía bỏ chạy về Nam Hải…

 

Tranh Đông Hồ tái hiện trận đánh đuổi quân xâm lược nhà Hán của Hai Bà Trưng.

 

 Nhà văn Nguyễn Hữu, một người con vùng đất Dâu-Luy Lâu bảo rằng: Sông có thể lấp, bến bãi có thể trở thành đường sá, làng mạc, tất cả rồi sẽ qua đi nhưng văn hóa thì còn lại mãi. Dấu vết của dòng sông Dâu cổ tuy giờ chỉ còn là một dòng chảy nhỏ nhưng vẫn đủ để các thế hệ sau hình dung về một tòa thành đồ sộ giữa một khu đô thị cổ từng một thời sầm uất trong lịch sử dân tộc. Đặc biệt, những chứng tích lịch sử oai hùng của nhân dân ta chống giặc phương Bắc xâm lược vẫn còn in đậm dấu ở vùng đất này. Đó là cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng mà các sử gia kim cổ đều hết lòng ca ngợi bởi Hai Bà Trưng là người Việt đầu tiên phất cờ đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập cho đất nước. Đó là biểu tượng cho tinh thần bất khuất của dân tộc ta trước sự tràn lấn thường trực và mãnh liệt của giặc phương Bắc. Ở các làng ven dòng sông Dâu cổ ngày nay vẫn còn nhiều di tích lịch sử thờ các danh tướng của Hai Bà Trưng. Trải suốt bao thế kỷ, cứ vào ngày mùng 4, 5 tháng Giêng hàng năm, nhân dân các làng xung quanh khu vực thành Luy Lâu lại mở hội khao quân, ăn mừng chiến công vang dội của nghĩa quân Hai Bà Trưng…

Bài, ảnh: V.Thanh
Top