khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 10/06/2014 - 08:47

Mùa cà rốt “đắng” ở Lương Tài

Những ngày cuối vụ xuân hè, ở khu vực đất bãi ven sông trên địa bàn huyện Lương Tài vẫn còn những ruộng cà rốt khô khốc không người thu hoạch. Năng suất kém cộng với giá bán rẻ như cho khiến nhiều hộ dân thuần nông vốn coi cà rốt là cơ nghiệp bỗng phút chốc rơi vào tình cảnh lao đao...

Mất mùa, mất giá...

“Giá bán rẻ quá, còn hơn 1 sào cà rốt nữa nhưng gia đình tôi không muốn mất công thuê người dỡ về, rồi cũng lại cho bò ăn...” - vừa dọn dẹp mấy luống cà rốt còn trơ lá, chị Phạm Thị Thảo ở thôn Cáp Điền (xã Trung Kênh) vừa lắc đầu ngán ngẩm. Ở thửa ruộng bên cạnh, anh Nguyễn Văn Tú cũng chia sẻ: “Tại thời điểm này như mọi năm, giá cà rốt vào khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, thậm chí có hộ bán sớm được 10.000 đồng/kg, nhưng năm nay giá rớt thảm hại chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Vụ xuân này gia đình tôi trồng gần 1 mẫu cà rốt. Tiền làm đất, giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công... cho mỗi sào rơi vào khoảng 2,5 triệu đồng. Với giá bán như hiện tại thì chỉ thu về chưa được 1 triệu đồng/sào nên lỗ nặng. Vẫn còn may mắn vì gia đình tôi không phải đi thuê đất trồng cà rốt như một số hộ xung quanh…”.

Theo những hộ dân nơi đây, cà rốt trồng ở vụ xuân hè thông thường cho năng suất không được cao, năm nay do thời tiết mưa liên tục suốt 3 tháng liền nên cây bị thiếu ánh sáng để sinh trưởng, dẫn đến củ bé, kích cỡ chỉ đạt 20-30 củ/kg. Những năm trước, bình quân mỗi vụ cho thu hoạch từ 2-3 tấn/sào nhưng năm nay có nhiều hộ chỉ được 5-6 tạ/sào (hàng loại I) để bán.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, một thương lái chuyên thu mua cà rốt để đưa lên Hà Nội và các tỉnh phía Nam tiêu thụ cho biết: “Cà rốt năm nay xấu mã hơn năm ngoái, vả lại năm nay có quá nhiều cà rốt Trung Quốc với mẫu mã đẹp, giá rẻ tràn về nên hàng của mình rất khó cạnh tranh. Vụ trước mỗi ngày tôi thu mua khoảng 30 tấn, nhưng nay các mối nhập hàng ít, giá thấp mà tiêu thụ vẫn chậm”.

Với tâm lý chán nản như vậy, nhiều hộ dân nơi đây vẫn thu hoạch cà rốt để lấy đất trồng cây màu khác, nhưng không mang về nhà mà vứt lác đác dọc bờ sông. Một số hộ đã tính chuyển sang trồng dưa hấu hoặc các cây màu khác cho vụ xuân năm sau.

Để người nông dân trụ vững

Được biết, diện tích trồng cà rốt trong vụ xuân của huyện Lương Tài vào khoảng 100ha, và ở vụ đông là 500ha. Đã từ nhiều năm nay, đây được coi là cây màu chủ lực, đem lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha cho nông dân các xã Minh Tân, Lai Hạ, An Thịnh, Trung Kênh... Ông Phạm Huy Tăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lương Tài cho biết: “Trước mỗi vụ canh tác, ngành Nông nghiệp huyện luôn tổ chức hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật, khuyến cáo người dân trồng các giống cà rốt phù hợp với thời tiết mưa ẩm của mùa xuân. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân trồng theo kinh nghiệm nên năng suất hầu như không đạt yêu cầu. Giá cà rốt có dấu hiệu đi xuống từ cuối vụ đông năm ngoái, nên nhiều gia đình đã để lại, chờ giá lên. Dẫu vậy, tình hình không cải thiện nhiều, cho đến thời điểm này, gần kết thúc vụ canh tác nhưng giá vẫn chỉ đạt 1.500-2000 đồng/kg”.

Câu chuyện được mùa, mất giá, hay nông dân bị thương lái ép giá ngay cả khi mất mùa đã xảy ra ở nhiều nơi và cuối cùng thì nông dân vẫn là người chịu thiệt. Nhiều người đặt ra câu hỏi về những liên kết trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế rủi ro, tuy nhiên, theo ông Tăng, đã nhiều lần ngành Nông nghiệp huyện đứng ra tổ chức liên kết cung cầu cho các doanh nghiệp và nông dân, thế nhưng chỉ được thời gian ngắn là liên kết thất bại. Bởi vì chính những người nông dân lại không thực hiện các cam kết hợp đồng và là bên bỏ cuộc sớm. Cụ thể nhất là ở thời điểm giá nông sản ổn định, họ có thể duy trì cung ứng cho doanh nghiệp, nhưng chỉ cần thị trường lên, họ lại đem bán ra ngoài. Bên cạnh đó, chất lượng một số nông sản chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật do doanh nghiệp đặt ra.

Bài toán về việc ổn định thị trường nông sản, giúp cho người nông dân có thể sống tốt trên chính thửa ruộng của mình đang rất cần sự chung tay nỗ lực của các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước và ở chính ý thức của mỗi người nông dân; để những con người quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” không phải gánh thêm những mùa vụ “đắng”...

Huyền Thương - Việt Anh
Top