khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 12/06/2014 - 08:22

Nhìn lại những bất cập qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 có những đổi mới mà Bộ GD-ĐT nhận định là bước đột phá trong lộ trình “Đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT Việt Nam”. Rất tiếc, nhiều đổi mới vừa vận dụng đã lộ rõ bất cập.

Giám thị bàn giao bài thi tại Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Quế Võ 1 năm 2014.

 

 

Tại buổi họp báo ngay khi kết thúc kỳ thi, Bộ GD-ĐT cho rằng năm 2014 kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra thành công và nghiêm túc nhất. Cụ thể, trong số hơn 900 nghìn thí sinh dự thi, chỉ duy nhất… 1 thí sinh THPT phạm quy. Số này ở khối Bổ túc THPT là 10. Riêng giám thị cả nước không ai phạm quy.

Tuy nhiên đằng sau những con số rất “đẹp” ấy là rất nhiều áp lực cho các tỉnh, thành phố khi triển khai thực hiện những bước đổi mới của kỳ thi. Trong đó nặng gánh nhất vẫn là các Sở GD-ĐT và những người trực tiếp làm thi. Có thể kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT không thể phản ánh thực chất bức tranh giáo dục toàn diện của các địa phương, nhưng vì là kỳ thi Quốc gia nên bất cứ 1 sơ suất nhỏ cũng có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến uy tín của tỉnh và ngành GD-ĐT mỗi địa phương.

Tại Bắc Ninh, có lẽ năm 2014 ngành GD-ĐT chuẩn bị công phu nhất các điều kiện phục vụ, bảo đảm cho cho kỳ thi được diễn ra an toàn, nghiêm túc. Trước kỳ thi, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh đã kiểm tra hầu hết các Hội đồng coi thi, để lắng nghe ý kiến cơ sở và chỉ đạo khắc phục kịp thời những bất cập nảy sinh xuất phát từ những điểm mới của kỳ thi. Trong những ngày thi, Sở GD-ĐT tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tại các Hội đồng thi. Tại các Hội đồng thi, ngoài lực lượng thanh tra ủy quyền từ các đơn vị trực thuộc, Sở GD-ĐT cử cán bộ thuộc Sở cắm chốt hướng dẫn nghiệp vụ thi… Trước đó, ngay việc tổ chức một kỳ thi thử như thật để vận dụng vào kỳ thi thật từ số báo danh, số phòng thi, giám thị… cũng là kinh nghiệm tốt, giúp cho các giám thị, thí sinh không bỡ ngỡ khi chính thức vào thi.

Bất cập lớn nhất của kỳ thi xuất phát từ những thay đổi mà Bộ GD-ĐT cho là đột phá, như việc giảm từ 6 môn thi những năm trước xuống còn 4 môn năm 2014, rồi phương thức thi, thời gian thi một số môn… Những bất cập này bộc lộ rõ hơn khi kết thúc kỳ thi.

 

Liên quan đến vấn đề thi tốt nghiệp 4 môn, nhiều ý kiến cho rằng đây là sự giảm tải cần thiết với học sinh. Nhưng nên chăng thay vì cho thí sinh tự chọn môn thi dẫn đến học lệch, thì Bộ GD-ĐT cần quy định ngoài 2 môn thi bắt buộc là Toán, Văn thì 2 môn còn lại nên bốc thăm trước khi thi khoảng 2 tháng (giống như việc báo các môn thi trước đây), như vậy vừa vẫn giảm tải được kiến thức thi cho học sinh, vừa tránh tình trạng học lệch, lại không để xảy ra tình trạng học sinh chán học dẫn đến không đăng ký thi Lịch sử như năm nay…           

 

Cụ thể xuất phát từ việc tự do chọn môn thi, dẫn đến tại nhiều Hội đồng thi, có môn thi chỉ duy nhất 1 thí sinh dự thi (chủ yếu là môn Lịch sử), trong khi đó theo quy chế vẫn phải duy trì đủ các bộ phận làm thi, tới gần 20 người. Riêng tại Bắc Ninh, do làm tốt công tác tuyên truyền giúp thí sinh đăng ký môn thi tập trung nên một số phòng thi có 1 thí sinh dự thi đã không tồn tại ở kỳ thi thật. Việc đổi mới hình thức thi, điển hình như môn Ngoại ngữ cũng khiến cho nhiều Hội đồng thi vô cùng lúng túng, khi cùng một môn thi nhưng lại bao gồm cả thi trắc nghiệm và tự luận. Thi trắc nghiệm trước, nghỉ giải lao mới thi tiếp phần tự luận.

Năm 2014, nếu như thí sinh thuận lợi bao nhiêu thì những người làm thi lại phải chịu áp lực bấy nhiêu. Những năm trước, thí sinh thi 6 môn trong 3 ngày thì năm 2014 thi 8 môn chỉ diễn ra trong 2,5 ngày. Trong 2,5 ngày có 3 buổi thi 2 ca đều diễn ra hết sức phức tạp.

Việc cho phép thí sinh được tự do lựa chọn 2 môn thi tốt nghiệp (ngoài 2 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn), nếu vẫn duy trì như khuôn mẫu năm nay chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng học lệch, bỏ bê những môn không liên quan đến thi tốt nghiệp hoặc khối thi ĐH theo nguyện vọng của từng thí sinh.

Vẫn liên quan đến việc tự do chọn môn thi, có thể Bộ GD-ĐT chưa lường tính hết việc này ảnh hưởng đến danh dự của giáo viên một số bộ môn. Điển hình như Lịch sử, đây là môn có số lượng thí sinh dự thi thấp nhất, nhiều trường thậm chí 100% học sinh không chọn thi môn Lịch sử. Thống kê toàn quốc, số thí sinh dự thi môn này chỉ chiếm 12%, tỉnh Bắc Ninh là 15%. Việc phần đông thí sinh không chọn thi, đồng nghĩa với việc không học Sử phải chăng là bất cập lớn nhất của ngành GD-ĐT?

Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi Quốc gia, nhưng bản chất là kỳ thi đại trà mang tính phổ cập nên nhiều năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả nước luôn đạt từ 95% đến 97%. Cụ thể trong 3 năm gần đây: Năm 2011 là 95,72%; năm 2012 là 97,63%; năm 2013 là 97,52%, như vậy không nhất thiết phải tạo căng thẳng. Bởi chính những điểm mới mang tính “đột phá” đó không chỉ gây căng thẳng, tạo áp lực không đáng có cho những người làm thi mà còn tạo ra nhiều sự tốn kém không cần thiết với cả hệ thống chính trị của địa phương trước mỗi kỳ thi, khi luôn phải lo lắng huy động nhiều người, nhiều ngành hữu quan phục vụ cho kỳ thi này.

Bài, ảnh: Thanh Tú
Top