khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ hai, 16/06/2014 - 08:42

Yêu thương dành cho trẻ

Chương trình gặp mặt, giao lưu giữa trẻ em với trẻ em nghèo, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, Tỉnh đoàn tổ chức vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Chương trình tạo được sân chơi bổ ích cho 320 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt trong số hơn 300.000 trẻ em toàn tỉnh được gặp gỡ giao lưu, được chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, tình cảm với các bạn cùng trang lứa, với các cấp lãnh đạo, với các tổ chức, cá nhân trong xã hội, để tình yêu thương dành cho con trẻ được nhân lên gấp bội trong xã hội.

Thi vẽ tranh thu hút nhiều em nhỏ tham gia.

Thi vẽ tranh với chủ đề “Vì một xã hội không bạo lực, không xâm hại trẻ em” là nội dung đầu tiên thu hút nhiều trẻ em tham gia trong buổi gặp mặt. Qua những bức tranh về gia đình, thầy cô, bạn bè, trường lớp... các em đã thể hiện được những mong muốn, sở thích của mình là được học tập,  vui chơi trong một môi trường lành mạnh, hòa bình, nhân ái. Ngoài ra các em còn được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn, vui nhộn của lứa tuổi trẻ thơ như: “Trái đất này là của chúng mình”, “Cây đa quán dốc”, “trống cơm”... nhất là tiết mục văn nghệ của thầy, cô giáo và các em học sinh khuyết tật tại Trung tâm Nuôi dưỡng Người có công và Bảo trợ xã hội tỉnh với bài hát “Hai ngọn lửa” của nhạc sĩ Vũ Viết Đắc.

Lời ca, tiếng hát ấy thể hiện sự khát khao của các em trong sự hòa đồng cùng nhau học tập, cùng nhau vui chơi và làm nhiều điều có ích. Dù ở hoàn cảnh nào thì mơ ước của các em vẫn chính là tình thương yêu, sự quan tâm của gia đình, xã hội.

Ông Trần Tiến Hiển, chuyên viên Phòng Giáo dục-Đào tạo thành phố Bắc Ninh cho biết: “Thành phố Bắc Ninh có 19 em được đại diện cho gần 4.000 trẻ em thành phố đến dự buổi gặp mặt. Thời gian qua, thành phố đã có nhiều sự quan tâm thiết thực tới những học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập tốt như: Tổ chức các chương trình trao quà cho học sinh nghèo vượt khó, miễn, giảm học phí, tặng sách vở, chăn ấm… Sự quan tâm kịp thời giúp các em có hoàn cảnh khó khăn được đến trường, được học tập, vui chơi, tạo động lực cho các em vươn lên đạt thành tích xuất sắc trong học tập”.

 

Nhiều phần quà ý nghĩa đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao tận tay các em có hoàn cảnh đặc biệt.

 

Sau những phần thi sôi động, những lời ca, tiếng hát, dường như cả hội trường lặng đi khi các em có hoàn cảnh đặc biệt chia sẻ tâm sự chân thật về những khó khăn trong cuộc sống của mình. Đã có những giọt nước mắt rơi khi một em bé bị HIV/AIDS nói về những khoảnh khắc buồn tủi của hai mẹ con trước sự kỳ thị của xã hội. Càng xúc động hơn khi một em bé thiếu vắng tình thương của bố, hàng ngày ngoài việc học vẫn làm thêm để kiếm tiền giúp mẹ...

Những hoàn cảnh đáng thương ấy đã thực sự làm rung động những bậc làm cha, làm mẹ, các thầy, cô giáo, những người làm công tác xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, để các em được yêu thương nhiều hơn, được chăm sóc và giáo dục, giúp các em được hưởng đầy đủ các quyền cơ bản của mình.

Bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam chia sẻ tại chương trình giao lưu: “Trên đất nước chúng ta còn rất nhiều những trẻ em thiệt thòi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, song đã và đang có nhiều tổ chức xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục có những chính sách khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để cải thiện cuộc sống, làm giảm bớt thiệt thòi, thiếu hụt trong việc hưởng thụ quyền trẻ em của tất cả trẻ em trên cả nước. Chúng ta hãy cùng chung tay chăm sóc, bảo vệ quyền trẻ em, để các em thực sự có một tương lai tươi sáng”.

Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách đặc thù cho công tác an sinh xã hội, trong đó chú trọng đặc biệt đến công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em. Sắp tới tỉnh thành lập Hội Bảo vệ quyền trẻ em, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến thế hệ tương lai của đất nước góp phần nhân lên tinh thần tương thân tương ái, tình thương yêu của cộng đồng với con trẻ, để xã hội không còn những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ, trẻ bị bạo lực, bị xâm hại... và không còn những tai nạn thương tích đến với trẻ em, để các em thực sự được sống trong tình yêu thương, đùm bọc của toàn xã hội.

Mỗi hoàn cảnh, một nghị lực

 Nghèo khó vẫn học giỏi

 

 

Ngoài việc học tập, Khuyên nhận đóng gói gạc tiệt trùng giúp mẹ tăng thêm thu nhập gia đình.

Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng Nguyễn Thị Khuyên, sinh năm 1999, thôn Tiêu Long, xã Tương Giang (thị xã Từ Sơn) vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên học tập tốt. 9 năm liền em đạt danh hiệu học sinh giỏi, được thầy, cô, bạn bè quý mến.

Khuyên có cuộc sống vất vả từ khi còn nhỏ. Bố bị câm điếc bẩm sinh, một mình mẹ làm ruộng nuôi ba chị em. Khuyên là chị cả trong nhà nên từ nhỏ em đã phải phụ giúp bố mẹ nhiều việc. Nhưng rồi cuộc sống của em không chỉ dừng lại ở việc thiếu thốn về vật chất mà tuổi thơ ấy đã phải chịu nỗi đau quá lớn về tinh thần khi bố em bị mắc căn bệnh ung thu vòm họng và qua đời năm 2013. Bao khó khăn, vất vả lại chồng chất lên cuộc sống của gia đình thiếu vắng người cha, khiến mẹ con Khuyên càng buồn tủi và lao đao hơn.

Biết mẹ vất vả, gia đình thiếu thốn, nên hàng ngày, ngoài giờ đi học, Khuyên còn đạp xe đi nhận hàng về đóng gạc tiệt trùng, phụ giúp thêm thu nhập cho mẹ. Trong hoàn cảnh ấy Khuyên vẫn nỗ lực học giỏi, là tấm gương sáng cho nhiều bạn nhỏ cùng trang lứa. Phần thưởng lớn nhất mà em dành tặng mẹ chính là những tấm giấy khen về thành tích học tập của mình trong suốt 9 năm qua. Mong sao ước mơ sau này được làm cô giáo Mầm non của em sẽ trở thành hiện thực. Hiện tại, Khuyên rất cần nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong xã hội.

 Vượt lên số phận

 

Em Hà Thị Hậu tại chương trình gặp mặt, giao lưu giữa trẻ em với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức vừa qua.

 
Bố mất khi em vừa tròn một tuổi, nhưng căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS của người bố vẫn đeo bám 2 mẹ con em, khiến cuộc sống của em chìm trong nỗi cô đơn, sợ hãi, thiếu vắng tình thương yêu của người thân cũng như đồng loại. Nhưng rồi em đã vượt lên mặc cảm, trở thành con ngoan, trò giỏi trong gia đình và nhà trường. Em là Hà Thị Hậu, học lớp 4, trường Tiểu học Tân Chi (Tiên Du).

Dường như cuộc sống khó khăn cả về vật chất và tinh thần đã khiến Hậu nhận thức cuộc sống sớm trước tuổi. Hậu tâm sự: “Từ nhỏ, em không có bạn để chơi, chỉ có 2 mẹ con em chơi với nhau thôi. Nhìn các bạn chơi đùa, em thích lắm, nhưng khi hỏi thì các bạn bảo tránh xa không thì lây nhiễm, em lại vào chỗ ngồi khóc một mình. Mẹ em bảo, con phải vượt qua được chính mình giống như mẹ thì con mới sống được. Em nghe lời mẹ, suốt ngày chỉ biết ngoan ngoãn và học giỏi để mẹ vui, cô giáo yêu mến và một ngày nào đó, các bạn sẽ chơi cùng con”.

Cuộc sống của mẹ con Hậu giờ đây vẫn rất vất vả. Hàng ngày, mẹ Hậu nhận may công nghiệp tại nhà rồi đi giao cho đại lý, vì đi xin việc không tổ chức, doanh nghiệp nào nhận. Còn bản thân em vẫn bị bạn bè xa lánh, lại còn thường xuyên đau ốm. Nhìn em nhỏ hơn rất nhiều so với tuổi, nét mặt buồn đăm chiêu ngược lại hoàn toàn với tuổi thơ vui nhộn của các bạn cùng trang lứa càng thấy xót xa. Hy vọng, xã hội có sự nhìn nhận đúng đắn hơn về căn bệnh HIV, các bạn mở lòng hơn với Hậu để những đứa trẻ như em được hòa nhập cộng đồng, được sống đúng nghĩa với tuổi thơ mà các em được hưởng, đó là vui chơi, học tập. 

Bài, ảnh: Lan Hường
Top