Phun thuốc vệ sinh, khử trùng phương tiện giao thông là biện pháp giúp tránh lây lan dịch bệnh tai xanh ở lợn.
Tin, ảnh: Nguyễn Tuấn
Chi cục Thú y đã cấp phát 4.600 lít hoá chất, các địa phương đã sử dụng 240 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường. Lập 29 chốt cố định tại lối ra, vào ổ dịch, ngăn chặn việc vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn ra vào vùng dịch. Đồng thời tiến hành việc tiêm phòng vaccin tai xanh cho toàn bộ đàn lợn ở các xã có dịch và các xã giáp ranh. Kết quả, toàn tỉnh đã tiêm gần 68.000 liều vaccin tai xanh.
Do tính chất của dịch lây lan nhanh, kết hợp với thời tiết nắng nóng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và sức kháng bệnh của đàn lợn, nên tình hình dịch trong thời gian tới còn khả năng diễn biến phức tạp. Ngành Nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương, hộ chăn nuôi tiếp tục chủ động các biện pháp phòng chống dịch, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các ổ bệnh phát sinh mới, không để lây lan diện rộng.
Một số biện pháp phòng, trị bệnh tai xanh ở lợn
Đối với những nơi chưa có dịch
1.Tiêm các loại vaccin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho lợn, như: Vaccin tai xanh, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng, E.coli
Đối với các hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi lợn nái ngoại cần tiêm thêm vaccin Parvovirus cho lợn mẹ trước khi sinh.
2. Vệ sinh phòng bệnh
Vệ sinh bằng phương pháp cơ giới: thường xuyên vệ sinh quét dọn chuồng nuôi để bảo đảm môi trường thoáng mát.
Vệ sinh bằng phương pháp hoá học: định kỳ khử trùng tiêu độc môi trường bằng vôi bột hoặc hoá chất sát trùng, nhằm tiêu diệt mầm bệnh ở ngoài môi trường.
Trong 2 biện pháp nêu trên, biện pháp tiêm phòng cho lợn đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho gia súc không bị mắc các bệnh kế phát. Qua thực tế chứng minh những đàn lợn đã được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccin trên, khi mắc bệnh tai xanh tỷ lệ điều trị khỏi bệnh cao.
Biện pháp điều trị bệnh kế phát (đối với những nơi có dịch)
- Nhanh chóng cách ly lợn ốm, lợn nghi ốm để theo dõi và điều trị
- Giữ chuồng trại khô ráo, thoáng mát. Không tắm cho lợn khi lợn đang sốt
- Đối với nái sảy thai, cần thụt rửa và vệ sinh hàng ngày bằng dung dịch sát trùng Iodine hoặc dung dịch thuốc tím.
- Sử dụng một trong các phác đồ điều trị bệnh kế phát cho lợn mắc bệnh như sau:
Phác đồ 1:
- Hanflor LA: tiêm bắp 1ml/20kg thể trọng, tiêm 4 - 5 mũi, mỗi mũi cách nhau 2 ngày.
- Anagil C, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- Đường Glucoza: 50g pha vào 1 lít nước cho uống trong suốt thời gian điều trị.
- Multivit - Forte, tiêm 10 - 15ml/con.
- 10g điện giải pha với 5 lít nước cho uống trong suốt thời gian điều trị.
Phác đồ 2:
- Hanoxylin LA 1ml/10 kg thể trọng, tiêm bắp sâu, tiêm 3 - 5 mũi, mỗi mũi cách nhau 2 ngày
- Anagil C, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- Đường Glucoza (cho lợn uống như phác đồ 1)
- Vitamin B12, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- Tăng cường cho ăn rau xanh, uống nước muối loãng
Phác đồ 3:
- Genta - Tylo, tiêm 2ml/10kg thể trọng/ngày, tiêm liên tục 7 ngày.
- Anagil C, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- Đường Glucoza (cho lợn uống như phác đồ 1)
- Vitamin B12, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- Ca - Mg - sulphat B6, tiêm 2ml/10kg thể trọng để phòng bại liệt.
Phác đồ 4:
- Linco-gen; tiêm bắp 1ml/10kg thể trọng/ngày, tiêm liên tục 5 - 7 ngày.
- Anagil C, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- Đường Glucoza (cho lợn uống như phác đồ 1)
- Vitamin B12, tiêm 2ml/10kg thể trọng.
- 10 g thuốc điện giải pha với 5 lít nước cho uống trong suốt thời gian điều trị.
Các phác đồ điều trị trên kết hợp cho lợn ăn tỏi thường xuyên thì kết quả điều trị cao hơn. 20g tỏi/1 tạ lợn, nghiền nhỏ trộn lẫn với thức ăn hoặc trộn với nước đường Gluco cho uống trước bữa ăn.
Khi tiêm vaccin tai xanh cho đàn lợn ở các thôn, xã đã xuất hiện ổ dịch tai xanh, cần lưu ý:
1. Tiêm từ xa vào gần, từ ngoài vào trong ổ dịch, cuối cùng tiêm vào ổ dịch.
2. Mỗi con lợn phải được tiêm bằng 1 kim tiêm riêng để tránh làm lây bệnh từ lợn ốm sang lợn khoẻ.
3. Những người tham gia tiêm phòng cho lợn phải đảm bảo vệ sinh (người chưa tiếp xúc với lợn bệnh, lợn chết, tuyệt đối không sử dụng những người đã đi điều trị lợn bệnh hoặc đi tiêu huỷ lợn chết tham gia tiêm phòng cho lợn).
4. Phổ biến cho người chăn nuôi những tình huống có thể xuất hiện sau khi tiêm phòng (một số lợn khoẻ có thể phát bệnh; tỷ lệ lợn ốm, chết tăng do số lợn này đã mang trùng; sau 5 - 7 ngày tiêm tỷ lệ ốm, chết sẽ giảm và dịch sớm được dập tắt).