khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ năm, 07/06/2012 - 08:09

Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai năm 2012

Năm 2011, cả nước xảy ra 7 đợt cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản cho các vùng miền trên cả nước, làm 295 người chết, 274 người bị thương, 2170 căn nhà bị đổ sập, lũ cuốn trôi… với thiệt hại về vật chất ước tính lên đến 12.700 tỷ đồng.

Nhiều công trình kè yếu của tỉnh được tu bổ, nâng cao khả năng chống lũ.

Trong ảnh: Hoàn thiện kè Đức Tái, Chi Lăng (Quế Võ).

 
 
Bắc Ninh tuy ít chịu ảnh hưởng của mưa bão, song những tổn thất to lớn do bão lũ gây ra trên địa bàn cả nước chính là bài học kinh nghiệm quý báu, cảnh tỉnh tư tưởng chủ quan lơ là, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai (PCLB, GNTT). Đòi hỏi các cấp, ngành và tất cả mọi người phải có sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt trong công tác PCLB, GNTT nhằm bảo đảm an toàn cuộc sống và sản xuất của nhân dân.

Bắc Ninh có hệ thống công trình chống lũ trải dài 3 con sông với 241 km đê, 159 cống và 38 kè hộ bờ, chống sóng, trong đó có nhiều tuyến đê trọng yếu. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của T.Ư và của tỉnh, hệ thống đê điều từng bước được đầu tư nâng cấp, tăng khả năng chống lũ. Hiện các tuyến đê đã cơ bản được hoàn chỉnh cao trình, có chiều cao gia tăng so với mức nước thiết kế từ 0,3-1m, mặt đê rộng 5-6m và được cứng hóa; các cống lớn và yếu đã được đầu tư xây dựng; các kè yếu được tu bổ gia cố; hệ thống trạm bơm được đầu tư xây mới, nâng cấp góp phần tích cực cho công tác chống úng của địa phương…

Tuy nhiên, do đặc điểm đê hình thành lâu đời lại đi qua nhiều vùng sình lầy, đắp qua nhiều thời kỳ… nên hệ thống đê điều của tỉnh còn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi có bão lũ. Đặc biệt, tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, làm nhà cửa, công trình, xả rác thải xâm lấn đê vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình chống lũ, úng. Tư tưởng chủ quan lơ là xuất hiện ở một số nơi nên công tác chuẩn bị 4 tại chỗ có lúc, có nơi còn sơ sài, chưa đầy đủ, còn trông chờ, ỷ nại vào cấp trên…

Đây là những tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục ngay bởi năm 2012 này, theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, tình hình bão lũ, thiên tai sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, với những đợt mưa lớn, gây lũ cường độ lớn do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, nhất là hệ thống sông đồng bằng Bắc Bộ có thể có lũ lớn, gây ngập lụt cục bộ ở một số nơi.

Bước vào mùa mưa bão năm nay, trách nhiệm đặt ra cho các cấp, ngành trong công tác PCLB càng nặng nề hơn, đòi hỏi các địa phương, đơn vị phải khẩn trương, tích cực vào cuộc với tinh thần chủ động, quyết liệt và trách nhiệm cao nhất. Trước hết, cần quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của tỉnh trong công tác PCLB, GNTT năm 2012 với phương châm được tỉnh xác định là: “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính” nhằm giảm nhẹ đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tỉnh cũng đã xác định rõ các trọng điểm PCLB năm 2012, giao kế hoạch cụ thể về các nhiệm vụ trọng tâm đối phó với bão, lũ, úng và công tác chuẩn bị vật tư, nhân lực, phương tiện cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác PCLB, GNTT.

Vấn đề lúc này là các cấp, ngành cần hoàn thành ngay kế hoạch tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều với chất lượng cao trước mùa mưa bão, đồng thời có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình này khi có lũ bão xảy ra; tăng cường kiểm tra (đặc biệt là những nơi trọng điểm), xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều. Xác định rõ những trọng điểm PCLB để chủ động phương án đối phó kịp thời, trong đó phải chuẩn bị đầy đủ, chất lượng về vật tư, phương tiện, nhân lực theo kế hoạch đã được giao, thực hiện tốt 4 tại chỗ (chỉ đạo, lực lượng, vật tư, hậu cần) theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Cùng với đó, các ngành, các địa phương cần khẩn trương hoàn thiện các phương án xử lý trọng điểm, phương án phòng chống úng, đối phó với mưa lũ bất thường, kết hợp với việc xây dựng các kế hoạch PCLB cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế và nhiệm vụ, bảo đảm có sự phân công, phân cấp trách nhiệm rõ ràng, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác PCLB, GNTT.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các cấp, ngành và người dân chủ động trước mùa mưa bão, tránh tư tưởng chủ quan trước những diễn biến bất thường của thời tiết. Từ đó, huy động sức mạnh của toàn dân trong công tác PCLB, GNTT, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.

Bài, ảnh: Khôi Nguyên
Top