khach san bac ninh

Bac Ninh Tin tuc tong hop san pham lang nghe doanh nghiep Bac Ninh
Thứ ba, 12/06/2012 - 08:43

Nhiều doanh nghiệp của Phong Khê khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất ưu đãi

Khác hẳn với không khí nhộn nhịp vào thời điểm này năm trước, về Phong Khê (thành phố Bắc Ninh) bây giờ, ai cũng cảm nhận được không khí ảm đạm. Tình trạng sản xuất ngưng trệ hoặc cầm chừng vì thiếu vốn, hàng làm ra không tiêu thụ được đang diễn ra tại nhiều doanh nghiệp (DN) cũng như cơ sở sản xuất giấy của làng nghề truyền thống này.

Nhiều doanh nghiệp giấy Phong Khê hoạt động cầm chừng.

 
 
Phong Khê từng nổi danh là “công trường” giấy khi có 84 DN, Công ty, HTX, 180 cơ sở với hơn 200 dây chuyền sản xuất và gần 300 hộ làm dịch vụ gia công tái chế giấy, vận tải, cơ khí, sửa chữa máy móc, thiết bị, vật tư... phục vụ làng nghề. Vào lúc đỉnh điểm, lao động lên tới 10.000 người. Sản lượng giấy đạt từ 180 nghìn tấn đến 225 nghìn tấn/năm. Tuy nhiên, thời điểm này với giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, thiếu vốn, không ít DN, cơ sở sản xuất phải hoạt động cầm chừng.

Ông Lê Văn Bậc, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Khê cho biết: “3 tháng cuối năm 2011 và 6 tháng đầu năm nay, sản phẩm của làng nghề làm ra khó tiêu thụ. DN nào có mối quan hệ tốt thì túc tắc bán được hàng còn lại hàng tồn chất đầy kho. Hầu hết các DN, cơ sở sản xuất giấy ở đây phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn vay ngân hàng. Lãi suất giảm là tín hiệu mừng, nhưng hiện nay số DN tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi lại không nhiều, do đó hoạt động sản xuất, kinh doanh của làng nghề vẫn chưa được cải thiện. Trong 6 tháng sản lượng giấy của toàn xã đạt 70.000 tấn giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm 2011”.

Xí nghiệp giấy Minh Quân chuyên sản xuất giấy krap đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc phục vụ sản xuất. Những năm qua, Xí nghiệp luôn duy trì và phát triển mạnh với mức doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm 2011 tổng doanh thu của đơn vị đạt 20 tỷ đồng và tạo việc làm ổn định cho 30 công nhân. Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, hàng làm ra không bán được nên chỉ sản xuất cầm chừng.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Xí nghiệp cho biết: “Bình quân mỗi năm sản lượng giấy của Xí nghiệp đạt 2.000 tấn. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, sản lượng và đơn đặt hàng đều giảm 30-50%. Trong khi đó đầu vào như than, củi vẫn ở mức cao. Hiện đơn vị vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, bởi muốn tiếp cận được nguồn vốn này DN cần phải “hội tụ” những yếu tố như có phương án làm ăn mang lại hiệu quả kinh tế rõ ràng, trong 3 năm liền hoạt động có hiệu quả; có tài sản thế chấp đảm bảo tính khả dụng, thanh khoản thị trường.

Bà Ngô Thị Lượng, thôn Dương Ổ than thở: “Đã nhiều năm làm nghề nhưng chưa năm nào lại gặp khó như năm nay. Trước đây cơ sở sản xuất giấy của gia đình tôi thường xuyên giải quyết việc làm cho 15 công nhân, giờ giảm chỉ còn 6. Hiện cơ sở của gia đình tôi dư nợ ngân hàng Nông nghiệp & PTNT thành phố Bắc Ninh 1,2 tỷ đồng. Số vốn này quá eo hẹp để vực lại sản xuất. Muốn tiếp cận được nguồn vốn mới là điều không dễ đối với cơ sở sản xuất nhỏ như chúng tôi”.

Thời điểm này, những cơ sở, Công ty, HTX sản xuất lớn đều thu hẹp quy mô xuống chỉ còn một nửa, thậm chí chỉ bằng 30 - 40% so với lúc thịnh vượng. Còn các DN vừa và nhỏ tại Phong Khê hầu hết hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân khiến làng nghề giấy Phong Khê trở nên ảm đạm như hiện nay do lãi suất vay vẫn còn cao, bên cạnh đó, một số DN, cơ sở sản xuất lâm vào tình trạng sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, hàng tồn kho lớn dẫn tới không trả nợ kịp thời cho các ngân hàng và nợ xấu của DN tăng nhanh (vì lãi suất vay cao, thời hạn nợ đọng kéo dài) khiến ngân hàng không thể cho vay thêm...

Bài, ảnh: Diệu Linh
Top